Kon Tum đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số |
2-9-2024 |
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Kon Tum đã tích cực triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Kon Tum đã tích cực triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong 3 năm qua, tỉnh đã phê duyệt và triển khai 39 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, trong đó 31 đề tài đã được nghiệm thu. Các đề tài tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, y dược và công nghệ sinh học.
Đáng chú ý, tỉnh đã triển khai 05 dự án thuộc "Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025". Trong đó, 04 dự án do trung ương quản lý và 01 dự án ủy quyền địa phương quản lý. Các dự án tập trung vào phát triển sản xuất giống và nuôi thương phẩm các loài cá có giá trị kinh tế cao, trồng và chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai 06 dự án thuộc "Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh". Nội dung các dự án tập trung chuyển giao ứng dụng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã nghiên cứu, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rau, cây ăn quả và phòng trừ sâu bệnh. Về thủy sản, đã triển khai nuôi thử nghiệm thành công một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá niên, cá hô, cá trà sóc, tôm càng xanh, cá trắm đen.
Đối với lĩnh vực y dược, tỉnh đã tập trung nghiên cứu quy trình sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm chủ lực. Đặc biệt, đã phân lập được 20 hợp chất từ lá sâm Ngọc Linh, trong đó có 1 hợp chất mới được đặt tên là panaxolide.
Các kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tập trung ưu tiên triển khai các nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ của người dân trong sản xuất và đời sống.
Diệu Linh |
Số lượt xem:128 |