<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tuy nhiên, ở Việt Nam, CTXH thường được nghĩ như là một việc làm từ thiện. Người Việt Nam có truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”… đây thực chất chính là các hình thức sơ khai và cơ bản của hoạt động công tác xã hội ở Việt Nam. Theo đà phát triển của xã hội, các hoạt động tương thân, tương ái cũng ngày càng phong phú và đa dạng. Trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã dần xuất hiện những người chuyên trách làm công tác trợ giúp xã hội. Ở mức cao hơn, những người này tập hợp nhau lại thành những nhóm người hoạt động chuyên về trợ giúp xã hội, kết quả hoạt động của họ được xã hội thừa nhận, ghi nhận. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Để cho thấy CTXH không phải là công việc đơn giản như công tác từ thiện, cần có cái nhìn đầy đủ ý nghĩa về CTXH, chúng ta cùng tìm hiểu những vấn đề cơ bản về Công tác xã hội.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Theo định nghĩa chung của thế giới thì CTXH là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Sứ mệnh của ngành CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu: Những rào cản trong xã hội; Sự bất công trong xã hội; Sự bất bình đẳng trong xã hội… </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nói rộng hơn CTXH là một nghề chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. Nghề CTXH thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nguyên tắc căn bản trong hoạt động của CTXH là tôn trọng nhân quyền và tạo sự công bằng trong xã hội. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          Mục tiêu chung mà CTXH hướng đến là: Phát hiện những mối quan tâm của con người (ví dụ như việc làm, thu nhập, tâm lý, tình cảm...); Xác định các nhu cầu của con người (ví dụ nhu cầu về ăn, ở, mặc hoặc an toàn, vui chơi, giải trí...); Xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người (Nguồn lực bên trong: sức khoẻ, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác; nguồn lực bên ngoài: sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, đất đai...). Trên cơ sở đó, những người làm CTXH xây dựng kế hoạch và mục tiêu cụ thể để đáp ứng các nhu cầu đó.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          Hiện nay,có khá nhiều định nghĩa khác nhau về CTXH, dưới đây là một số định nghĩa về CTXH:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          Theo Liên đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Quốc tế <i>(IFSW)</i> tại Hội nghị Quốc tế Montreal, Canada, vào tháng 7/2000: CTXH chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tiến trình giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người, sự tăng quyền lực và giải phóng cho con người, nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái và dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội. CTXH can thiệp ở những điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Theo Nguyễn Thị Oanh <i>(2004)</i>. Định nghĩa cổ điển: CTXH nhằm giúp cá nhân và cộng đồng tự giúp. Nó không phải là một hành động ban bố của từ thiện mà nhằm phát huy sứ mệnh của hệ thống thân chủ <i>(cá nhân, nhóm và cộng đồng)</i> để họ tự giải quyết vấn đề của mình.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tác giả Bùi Thị Xuân Mai (2010) đưa ra một khái niệm về CTXH: CTXH là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo ASXH.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Để cụ thể hóa khái niệm trên, tại Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ) cũng khẳng định: <i>CTXH là góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người. Hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của thân chủ xã hội, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng nhân cách sống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mang tính thuần phong mỹ tục.</i></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Công tác xã hội hướng đến trợ giúp các đối tượng <i>(thường được gọi là Thân chủ)</i> có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương gồm: Trợ giúp người già, người tàn tật và người nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo hành, bị sao nhãng; Các nhóm người đặc biệt – dễ bị tổn thương (khuyết tật, người lang thang kiếm sống, người nghiện ma tuý, người nhiễm HIV, người già, phụ nữ bị bạo hành); Các cá nhân, cộng đồng hoặc các gia đình có vấn đề, mâu thuẫn, khủng hoảng; Học sinh, sinh viên có vấn đề trong các trường học; Các bệnh nhân và gia đình của người bệnh, kể cả người tâm thần (tại các bệnh viện và phòng khám); Bất bình đẳng và bình đẳng giới…. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          CTXH dưới nhiều hình thức đa dạng của nó, nhằm vào vô số các tương tác phức hợp giữa con người và các môi trường của họ. Sứ mạng của nó là tạo năng lực giúp người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ và ngăn ngừa các trục trặc. CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi. Do đó, nhân viên CTXH là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. CTXH là một hệ thống liên kết các giá trị, lý thuyết và thực hành.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          CTXH phát triển như là một chuyên ngành khoa học ứng dụng, cung cấp một lượng kiến thức có cơ sở thực tiễn và xây dựng những kỹ năng chuyên môn bao gồm: các giá trị, nguyên tắc và những kỹ thuật nhằm giúp đỡ những thành phần yếu kém trong xã hội có được các dịch vụ xã hội mong muốn, các liệu pháp tâm lý cho cá nhân, gia đình và nhóm có vấn đề, hỗ trợ cộng đồng cải thiện các dịch vụ y tế và xã hội.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          CTXH là một ngành học thuật và chuyên nghiệp tìm cách thúc đẩy phúc lợi của cộng đồng, cá nhân, gia đình và các nhóm. Công tác xã hội có thể thúc đẩy chuyển biến xã hội, phát triển, gắn kết cộng đồng và trao quyền. Củng cố bằng những lý thuyết của khoa học xã hội và định hướng bằng những nguyên tắc công bằng xã hội, quyền con người, trách nhiệm tập thể, và tôn trọng tính đa dạng nhân văn, công tác xã hội len lỏi vào từng con người và cấu trúc xã hội để giải quyết những thách thức cuộc sống, nâng cao mức sống hạnh phúc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">CTXH coi trọngCon người và môi trường: Nghề công tác xã hội luôn quan tâm tới môi trường sống của những người được giúp đỡ. Môi trường sống bao gồm: môi trường tự nhiên, gia đình, bạn bè, họ hàng, hàng xóm, nhà trường, cơ quan, đồng nghiệp, chính quyền địa phương và hệ thống luật pháp...)</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Công tác xã hội có 4 chức năng cơ bản, đó là:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - <i>Chức năng phòng ngừa:</i> Công tác xã hội ngoài việc giải quyết các vấn đề xã hội thì việc ngăn ngừa những vấn đề mới phát sinh cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Để làm được việc này công tác nghiên cứu và dự báo xu hướng vận động của xã hội cần được làm tốt, tiếp theo là vận động, tư vấn để chính quyền có những chính sách phù hợp nhằm ngăn ngừa sự phát sinh các vấn đề xã hội.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><i>- Chức năng chữa trị:</i> Đối với các vấn đề xã hội đang tồn tại thì nhiệm vụ của ngành Công tác xã hội là góp phần giải quyết các vấn đề đó thông qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội như: chăm sóc sức khoẻ, cải thiện tình hình kinh tế & việc làm, hạ tầng cơ sở, nước sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ tâm lý tình cảm...</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><i>- Chức năng phục hồi:</i> Có những người hoặc nhóm người khi gặp vấn đề thì có những tổn thương về mặt thể chất cũng như tâm lý. Do vậy họ cần được giúp đỡ để vượt qua và hoà nhập với xã hội. Ví dụ như một người bị tai nạn dẫn tới khuyết tật về vận động. Họ cần giúp đỡ để phục hồi khả năng vận động và vượt qua tâm lý để tự tin hơn trong cuộc sống.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></p>
<div>- <i>Chức năng phát triển:</i> Là việc hỗ trợ để cho người gặp khó khăn có thể phát huy được những khả năng của bản thân vượt qua khó khăn để vươn lên tự lập trong cuộc sống.</div>
<p> </p>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></p>
<div>CTXH có 3 phương pháp cơ bản đó là: Công tác xã hội với cá nhân; Công tác xã hội với nhóm; Công tác xã hội với cộng đồng (Phát triển cộng đồng).</div>
<p> </p>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></p>
<div>Nguyên tắc cơ bản của nghề CTXH là không làm thay đối tượng được trợ giúp xã hội, mà những người làm CTXH cố gắng sử dụng những kiến thức, kỹ năng và phương pháp để giúp thân chủ xác định vấn đề mà họ đang gặp phải; đồng thời tìm kiếm và xây dựng những nguồn lực cần thiết để hỗ trợ thân chủ, giúp họ tự giải quyết vấn đề của họ. Hiểu nôm na là người làm CTXH trao cho thân chủ “chiếc cần câu” và giúp họ phương pháp để họ tự câu cá, chứ không trao cho họ “con cá”.</div>
<p> </p>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></p>
<div>          <i>Những bước phát triển của CTXH ở Việt Nam</i></div>
<p> </p>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đặt mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dành kinh phí 2.347,4 tỉ đồng để thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Quyết định 32/2010/QĐ-TTg), còn gọi là Đề án 32. Chỉ từ khi Đề án được ban hành, CTXH mới được chính thức coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức. Tính đến nay, cả nước có hơn 500 cơ sở bảo trợ xã hội. Theo Đề án, hiện số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số. Cả nước có hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực CTXH, tuy nhiên phần lớn (<i>đến 81,5%</i>) chưa qua đào tạo.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          Đối với tỉnh Kon Tum, CTXH đã hình thành và phát triển, đã thành lập được Trung tâm Công tác xã hội Thành phố Kon Tum là mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Tổ chức đào tạo nghề công tác xã hội trình độ sơ cấp nghề và trung cấp nghề cho 30 học viên là<b> </b>cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội và các xã, phường, thị trấn; cử 16 cán bộ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia khoá đào tạo quản lý công tác xã hội <i>(từ sơ cấp đến thạc sĩ), </i>giảng viên nghề công tác xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Bảo trợ xã hội tổ chức. Tổ chức tập huấn cho gần 700 lượt cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn và cán bộ tại các cơ sở bảo trợ xã hội, thân nhân người tâm thần trên địa bàn tỉnh. Song vẫn còn một số bất cập, đó là: Chưa có hướng dẫn chi tiết định mức quản lý trường hợp và cơ sở nghiệm thu hồ sơ quản lý trường hợp để thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật theo quy định. Chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội cấp xã. Chưa có mối quan hệ phối hợp giữa Trung tâm Công tác xã hội và phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện trong công tác trợ giúp khó khăn của người dân tại cộng đồng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cũng theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 23/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương như sau:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          - Bộ Lao động - Thương và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 32 phát triển nghề công tác xã hội; điều phối các hoạt động của Đề án; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo hoạt động xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên; quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề công tác xã hội; xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình đào tạo nghề công tác xã hội đến trình độ cao đẳng; nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, qui trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; giám sát các hoạt động của Đề án 32. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          - Bộ Nội vụ có trách nhiệm ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội; nghiên cứu áp dụng ngạch, bậc lương, các chế độ phụ cấp lương, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với viên chức công tác xã hội; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các Trung tâm tư vấn và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          - Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ công tác xã hội; nghiên cứu hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội và thiết lập mạng lưới viên chức công tác xã hội trong các trường học.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          - Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất kế hoạch xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để phát triển nghề công tác xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          - Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí thực hiện Đề án 32 trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan Trung ương và các địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          - Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nghề công tác xã hội.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án 32; nghiên cứu, xây dựng ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để phát triển nghề công tác xã hội. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm: Xây dựng chương trình, kế hoạch, mục tiêu nhằm cụ thể hoá Đề án 32 phát triển nghề công tác xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án 32 trên địa bàn tỉnh, thành phố; Bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Đề án 32.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          - Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến làm thay đổi nhận thức trong đoàn viên, hội viên về nghề công tác xã hội; tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tình nguyện tham gia công tác xã hội, tham gia triển khai thực hiện Đề án 32</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Ngày <b>15/9/2016,</b> Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày <b>25/3</b> hàng năm làm Ngày Công tác xã hội Việt Nam, trên cơ sở đó ngày 18/01/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 196/LĐTBXH-BTXH về việc tổ chức kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2017; Chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/02/2017 Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum ban hành Phiếu báo số 185/PB-KGVX của về đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất triển khai các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo Công văn số 196/LĐTBXH-BTXH, ngày 18/01/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tổ chức kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2017.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">          Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Kon Tum đã ban hành Kế hoạch Số: 14/KH-SLĐTBXH, ngày 27 tháng 02 năm 2017về việc tổ chức các hoạt động nhân ngày Công tác xã hội Việt Nam với mục đích: Tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân; Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của con người; Thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn, phát huy vai trò của người làm công tác xã hội.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">                                                     Tổng hợp: <b>Trung Thuận</b>.</span></span></div> |