banner
Thứ 2, ngày 20 tháng 5 năm 2024
Đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng.
26-7-2017
Đất nước ta, với bề dày hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Những người con ưu tú của đất mẹ anh hùng đã luôn một lòng quyết bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ bờ cõi non sông đất nước. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trở thành những bài ca bất tử của những người con ưu tú, bất khuất, kiên cường đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Truyền thống ngàn đời của dân tộc – đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ người trồng cây”… đã trở thành một trong những nội dung cơ bản trong kho tàng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống đó đã hun đúc lên khí phách con người Việt Nam trọng đạo lý, luôn tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, khắc ghi những công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước. Đó là những anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã không tiếc máu xương chiến đấu cho độc lập dân tộc, đến ngày hôm nay, những thương binh “tàn nhưng không phế” vẫn là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận xây dựng quê hương đất nước. 
Chiến tranh đã qua đi, nhưng tất cả chúng ta – những người dân Việt Nam nói chung (tỉnh Kon Tum nói riêng) không lúc nào nguôi ngoai những mất mát, những nỗi đau mà nó để lại. Những người con anh dũng của Tổ quốc, có người còn sống nhưng cũng có người đã nằm lại với đất mẹ thân yêu. Nhưng những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được thế hệ những người Việt Nam tưởng nhớ. Cùng đồng bào cả nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Kon Tum cùng toàn thể đồng bào, các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn ghi nhận và tri ân tới những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc bằng cách gửi những món quà ý nghĩa bằng tinh thần và vật chất để động viên tới những thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ.
Sau ngày 30/4/1975, đất nước hòa bình thống nhất, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cùng đồng lòng, gắng sức, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta không những vượt qua nghèo nàn, lạc hậu mà còn đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhân dân ngày càng giàu mạnh, đất nước ngày càng có vị thế vững vàng trên trường quốc tế.
Tuy vậy, nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, rất nhiều những người thương binh vẫn nhức nhối cơn đau mỗi khi trái gió trở trời, rất nhiều những vong hồn liệt sĩ vẫn bơ vơ nơi núi rừng hiu quạnh hay lạnh cóng dưới những lòng sông, lòng hồ và rất nhiều những mẹ già đến hôm nay rồi vẫn mòn mỏi ngóng tin con. Chúng ta không được phép quên, mà ngược lại, đất nước ngày càng giàu mạnh thì Đảng, Nhà nước và mỗi người dân càng phải trân trọng, giữ gìn những thành quả cách mạng, trân trọng giữ gìn và tri ân các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, xả thân vì nước.
Tiếp tục tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, tôn tạo, sửa sang, hương khói các nghĩa trang liệt sĩ, chăm lo, đãi ngộ xứng đáng cho Thương binh và thân nhân liệt sĩ. Đó chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được hun đúc trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc ta từ thời mở cõi, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là tình cảm thiêng liêng, cao quý và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kết tinh của truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” từ ngàn đời nay của nhân dân ta, là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã lãnh đạo, chỉ đạo các các đơn vị, địa phương và toàn thể nhân dân luôn quan tâm, chú trọng công tác đền ơn, đáp nghĩa, ưu đãi người có công với cách mạng. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, bằng những nghĩa cử, hành động, việc làm thiết thực, không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các sở, ngành, đơn vị, địa phương và mỗi đảng viên, công chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Description: D:\VAN BAN CHUNG\Web So LDTBXH\27-7\lễ cầu siêu cho các AHLS.jpg
Thực hiện các nghi thức của Lễ cầu siêu tại nghĩa trang tỉnh Kon Tum
Đến nay, theo thống kê, toàn tỉnh Kon Tum có trên 40 nghìn người có công Cách mạng, trong đó số đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 5.958 người với kinh phí chi trả trợ cấp khoảng 160 tỷ đồng/năm. Trong 5 năm (2012-2017), tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt việc chuyển, tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho 33.908 lượt người có công vào dịp lễ, tết với tổng kinh phí 19.612 triệu đồng, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động thu 11.850 triệu đồng để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách, thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám chữa bệnh...Ngoài Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cuộc vận động tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được các ngành, các địa phương, các đơn vị hưởng ứng tích cực và đạt kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã vận động 188 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng số tiền 146,04 triệu đồng tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.229 hộ người có công khó khăn về nhà ở, chưa được hỗ trợ, với tổng nhu cầu kinh phí là 30.680 triệu đồng. Và trong số đó đến nay đã có 288 người có công được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở. Như vậy, toàn tỉnh còn lại 739 hộ đã được phê duyệt theo Đề án nhưng chưa được hỗ trợ về nhà ở với tổng nhu cầu kinh phí là 22.600 triệu đồng. Trong khi chưa có kinh phí của Trung ương phân bổ, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu đề xuất UBND tỉnh tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công cách mạng với thời gian thực hiện và hoàn thành trong 2 năm 2017, 2018.
Ngoài ra, nghĩa trang của tỉnh và các địa phương cũng được cải tạo, nâng cấp, chỉnh chu lại hoặc đầu tư nâng cấp, mở rộng hơn để phục vụ các đoàn và nhân dân đến thăm viếng.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017). Việc khánh thành Bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân (1968) và Xuân Hè (1972) tại tỉnh Kon Tum, tổng số liệt sĩ được khắc tên trên bia là 497 liệt sĩ, trong đó, liệt sĩ ở tỉnh Kon Tum có 229 liệt sĩ, các tỉnh bạn có 268 liệt sĩ. Đây là điều mong mỏi của các thế hệ thanh niên xung phong, cán bộ hưu trí, đồng đội, thân nhân liệt sĩ ở tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Quảng Nam…trong đó phải nói đến Đại tá, Anh hùng LLVTND Thái Phước Hiệp, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum người đã đề xuất ý tưởng, nguyện vọng và tâm huyết nay đã thành hiện thực.
Description: D:\VAN BAN CHUNG\Web So LDTBXH\27-7\khanh thanh bia tuong niem.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Đại tá Thái Phước Hiệp cắt băng khánh thành Bia tưởng niệm.
Chính vì vậy, điều mà chúng ta cần quan tâm là phải có nhiều hơn những hành động thiết thực, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Trong đó, cách làm thiết thực nhất trong thời điểm hiện nay và giai đoạn tới là phải làm sao để sớm hoàn thành, hoàn thành một cách chất lượng, hiệu quả việc hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 739 hộ người có công; đồng thời, chăm lo nâng cao mức sống cho 3% người có công còn lại. 
Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa nặng tình sâu, là sự tri ân xứng đáng đối với các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với quê hương, đất nước nói chung và Kon Tum nói riêng.

Bài viết: Trần Thế Vũ

Số lượt xem:2607

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội tỉnh Kon Tum..
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: soldtbxh-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


123020 Tổng số người truy cập: 1621 Số người online:
TNC Phát triển: