Kon Tum là một trong 10 tỉnh của cả nước được Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - TB&XH chọn để lấy ý kiến bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004. Đây là lần đầu tiên hoạt động lấy ý kiến của trẻ em được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai trên diện rộng, với ba kênh là internet, tổng đài tư vấn trẻ em 18001567 và phiếu thăm dò trực tiếp. Trong những lần xây dựng văn bản pháp luật trước, việc lấy ý kiến trẻ em chủ yếu thông qua các diễn đàn của tuổi nhỏ. Hoạt động này nhằm tăng cường sự tiếp cận của các em đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ em. Các ý kiến sẽ được tổng hợp và gửi tới ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004.
Diễn đàn trẻ em, một sân chơi bổ ích giúp cho tất cả trẻ em cùng nhau giao lưu, học tập
Đợt khảo sát ý kiến này tập trung vào hai nội dung
Thứ nhất là độ tuổi của trẻ em. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định độ tuổi của trẻ em dưới 16 tuổi. Nhưng Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Việt Nam có tham gia từ năm 1990) quy định độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi vì lứa tuổi từ 16-18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về sức khoẻ và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, người thành niên; có những chuyển đổi mạnh về tâm - sinh lý nên cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt từ gia đình, xã hội và Nhà nước. Do vậy, nâng quy định độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc đầy đủ, toàn diện, trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, do hoàn cảnh nước ta còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó cần bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Thứ hai là về hoạt động của diễn đàn trẻ em. Đây là hình thức được tổ chức nhằm tăng cường sự tham gia của trẻ em; để đại diện các em nói lên ý kiến, nguyện vọng của lứa tuổi mình và để các cơ quan, tổ chức tham vấn về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Theo Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam đánh giá, đây là hoạt động tôn trọng các em và là hình thức để các bạn nhỏ tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn. Thông qua hoạt động của các nhóm trẻ hoạt động vì quyền trẻ em ở các địa phương, câu lạc bộ phóng viên nhỏ… đã thu hút được sự chú ý của xã hội. Diễn đàn trẻ em diễn ra ở nhiều cấp và diễn đàn trẻ em quốc gia đã diễn ra tạo cơ hội cho trẻ em từ các địa phương gặp gỡ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành có liên quan để trực tiếp trao đổi, đối thoại với các em. Đây là một kênh thông tin tốt nên phát huy trong thời gian tới.
Nhiều nội dung cần sửa đổi
Về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện nay, Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến để đưa ra các nội dung cần thiết cho dự thảo Luật sửa đổi. Tuy nhiên, với tư cách là đơn vị tham mưu cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan này có một số nội dung kiến nghị cần sửa đổi. Bên cạnh nội dung về độ tuổi của trẻ em đã đề cập ở trên, Luật sửa đổi, bổ sung cũng cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan và cá nhân trong hệ thống quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đoàn thể khi tham gia vào lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc - giáo dục trẻ em.
Vấn đề thứ ba liên quan đến chức năng giám sát thực hiện Luật của các cơ quan có chức năng như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội khác về các kế hoạch, chương trình liên quan đến trẻ em.
Vấn đề thứ tư là cần quy định chi tiết hơn về các nội dung liên quan đến hoạt động bảo vệ trẻ em như về dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em, các chế độ thông tin, cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý các dịch vụ bảo vệ trẻ em…
Cuối cùng là cần làm rõ và quy định chi tiết hơn về quyền tham gia của trẻ em có trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, cần phải thúc đẩy hơn nữa ứng xử tham gia của trẻ em. ví dụ, trẻ em có quyền tham gia vào các quá trình quyết định, xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em. Một số nội dung này đã được quy định chi tiết tại Nghị đinh 71/2011/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hy vọng lần sửa đổi này sẽ quy định chi tiết hơn các vấn đề trọng tâm và giải quyết những tồn tại. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ban hành hiện nay là một luật khung, thiếu quy định chi tiết như về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan. Những quy định đó khó tìm thấyở các bộ luật và luật khác có liên quan. Ngoài ra, thực tế đời sống có rất nhiều thay đổi và phát sinh những vấn đề thời sự liên quan đến trẻ em như bóc lột, xâm hại trẻ em…Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật để có thể điều chỉnh các hành vi xã hội, tăng cường hoạt động bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Riêng về vấn đề có nên nâng độ tuổi của trẻ em lên dưới 18 tuổi, Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em đang tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia pháp luật, nhà nghiên cứu về tâm - sinh lý lứa tuổi và đặc biệt là lấy ý kiến của trẻ em và người dân. Thực tế, nếu nâng độ tuổi thì trẻ em sẽ được hưởng quyền lợi nhiều hơn.Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc xem điều kiện kinh tế - xã hội trong nước có đáp ứng được không vì nếu Luật đã quy định, diện đối tượng được hưởng chính sách liên quan tới trẻ em sẽ được mở rộng, đòi hỏi sự đầu tư và đáp ứng nguồn lực về ngân sách, con người nên vẫn phải cân nhắc. Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ được trình lên Quốc hội vào cuối năm 2014. Dực biết sửa đổi tên luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em là “Luật trẻ em”.
Tin & ảnh: Hoàn Nguyên