Lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) là một khái niệm tương đối mới ở nước ta. Cũng như lồng ghép giới vào chính sách, thực chất lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển KT-XH không có nghĩa là có các kế hoạch riêng biệt cho phụ nữ và nam giới, thậm chí cũng không phải là kế hoạch riêng cho phụ nữ. Thay vào đó, lồng ghép giới vào kế hoạch là xem xét sự ảnh hưởng, sự tác động của mỗi kế hoạch (quốc gia, ngành, địa phương, cơ sở…) đối với nhu cầu và sự phát triển của phụ nữ.
Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ có sự tham mưu của Uỷ ban Quốc gia vì Sự tiến bộ phụ nữ và các Bộ, ngành liên quan, cùng với hệ thống chính sách pháp luật về bình đằng giới dần được hoàn thiện, vấn đề bình đẳng giới đã và đang được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định. Từng bước thực hiện mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và em gái đang dừng lại ở mức độ rất chung, chưa phản ánh sự nỗ lực của cấp chính quyền đối với việc thực hiện chỉ tiêu này. Do vậy, còn nhiều phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo hành phụ nữ trong gia đình, xã hội, là nạn nhân của các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em, các vụ xâm hại tình dục…
Năm 2012, UBND tỉnh Kon Tum đã đề ra các chỉ tiêu về bình đẳng giới (tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND ngày 05/12/2011 của UBND tỉnh Kon Tum). Cụ thể:
- Tỷ lệ người được tạo việc làm mới hàng năm ít nhất 42% cho mỗi giới.
- Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25%.
- Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 90%.
- Tỷ số giới tính khi sinh giữa trẻ sơ sinh trai và trẻ sơ sinh gái đạt 1,13.
- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con đạt 42%.
- Tỷ lệ đài phát thanh và đài truyền hình cấp tỉnh và cấp Huyện có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đạt 100%.
- Tỷ lệ nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình đạt 100%.
- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất 01 lần/năm đạt 100%.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới năm 2012 của tỉnh, yêu cầu việc lồng ghép giới vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xét trên 2 lĩnh vực kinh tế và xã hội là vô cùng cần thiết. Cụ thể:
Trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội:
Giai đoạn 2011-2015, cần thực hiện công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý nữ, lãnh đạo nữ trên 30%; Hoàn thiện hệ thống chính sách đối với cán bộ nữ; Thực hiện lồng ghép giới trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, tổ chức cán bộ và nền hành chính công; Đào tạo đội ngũ cán bộ nữ; Tăng cường năng lực của phụ nữ trong tiếp cận và sử dụng các công cụ pháp lý; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái.
Về xây dựng kế hoạch lao động- việc làm có yếu tố giới:
Việc lồng ghép giới trong mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh năm 2012, cần xem xét và tìm cách đáp ứng nhu cầu về lao động việc làm của cả giới nam và nữ, trong đó là lựa chọn ưu tiên nhằm tạo điều kiện cho cả nam và nữ có cơ hội ngang về việc làm và thu nhập ổn định theo hướng tiến tới cơ cấu lao động của cả nam và nữ phù hợp (ít nhất 42% cho mỗi giới), có lợi cho cả nam và nữ.
Về lồng ghép giới trong giáo dục- đào tạo:
Bình đẳng giới trong giáo dục đào tạo trước hết là bình đẳng về cơ hội trong giáo dục- đào tạo, nhằm giúp cho nữ giới nói chung và nhóm phụ nữ yếu thế nói riêng (như các nhóm phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số, tàn tật…) có nhiều điều kiện hơn trong đào tạo các kiến thức chuyên môn, tự tin khi làm việc, qua đó có nhiều cơ hội để tham gia vào các ngành nghề tương đối ổn định và có ưu thế về thu nhập. Năm 2012, phấn đầu nâng tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 90%. Cần chú ý đề ra những giải pháp như: Tạo điều kiện để phụ nữ có nhiều cơ hội hơn nữa trong sử dụng chữ viết phục vụ lao động sản xuất, chống tái mù chữ một cách thiết thực; Tuyên truyền, vận động chị em tích cực học tập nâng cao trình độ, hiểu rằng học được chữ chính là để giúp mình có thể vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống; Triển khai việc lồng ghép giới vào chương trình, kế hoạch công tác của Ngành Giáo dục và Đào tạo.
Lồng ghép giới trong xây dựng kế hoạch phát triển y tế – chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Trong giai đoạn 2011-2015, việc lồng ghép các chỉ tiêu của mục tiêu cải thiện và nâng cao sức khoẻ bà mẹ và trẻ em trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới của tỉnh vào kế hoạch phát triển ngành y tế cần được đẩy mạnh một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện hoá các mục tiêu đề ra. phấn đấu giảm tỷ số giới tính khi sinh giữa trẻ sơ sinh trai và trẻ sơ sinh gái đạt 1,13; Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con đạt 42%.
Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ
Để giúp cho các hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) đạt hiệu quả, cần thiết phải có bộ máy đủ hiệu lực, có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lồng ghép giới từ trung ương xuống tận cơ sở.
Việc thực hiện pháp Luật và chế độ chính sách về bình đẳng giới là một trong những nội dung quan trọng trong toàn hệ thống chính trị. Đi đôi hoạt động trên, việc kiểm tra công tác bình đẳng giới, VSTBPN trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Ban VSTBPN tỉnh và cơ quan quan quản lý nhà nước các cấp với sự tham gia của các sở, ngành có lãnh đạo là thành viên trong Ban VSTBPN tỉnh, tạo điều kiện để công tác bình đẳng giới, VSTBPN ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
H-N