Làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đơn vị trực thuộc Bộ LĐTB&XH; một số trường cao đẳng, đại học trong cả nước; cùng các sở, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Quang cảnh buổi làm việc
Hội nghị thượng đỉnh Khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam lần thứ 9 (CLV 9) ngày 23/11/2016 tại Siem Reap, Campuchia đã ra Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác và phát triển toàn diện giữa các nước CLV, trong đó có phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh từ tam giác phát triển. Tại buổi họp báo công bố kết quả Hội nghị thượng đỉnh nêu trên, Thủ tướng Lào chia sẻ về đề xuất Việt Nam thành lập trung tâm tập huấn tay nghề cho người dân các tỉnh vùng tam giác phát triển, bao gồm 13 tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié ở miền Đông Campuchia; Attapu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền Nam Lào; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam.
Việc hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh của Lào, Campuchia nói chung và vùng tam giác phát triển nói riêng là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng bởi đây là những nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt với Việt Nam.
Ngày 25/5/2017, tại văn bản số 5411/VPCP-QHQT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý giao Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, trao đổi thống nhất với Lào, Campuchia xây dựng Đề án hồ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh vùng tam giác phát triển Campuchia, Lào và Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, ngày 12/4/2018 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có Công văn số 1406/LĐTBH-TCGDNN làm việc với tỉnh Kon Tum về Đề án hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên CLV.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quân ghi nhận những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề nghiệp của địa phương thời gian qua. Đồng thời thông tin, hiện tại nhu cầu học nghề của học sinh, sinh viên 2 nước bạn Lào và Campuchia ở các cơ sở đào tạo nghề ở Việt Nam khá đông. Do đó, việc triển khai Đề án trên ở tỉnh Kon Tum là cấp thiết, vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho khu vực phát triển tam giác 3 nước, vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương.
Ảnh: Đồng chí Thứ trưởng Lê quân thăm Sở Lao động-TB&X tỉnh Kon Tum.
Đồng chí Thứ trưởng thống nhất lựa chọn Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum thực hiện công tác đào tạo nghề theo Đề án nêu trên, đề nghị tỉnh Kon Tum xây dựng phương án đề xuất với Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH về thành lập Trung tâm hoặc Viện đào tạo cho học sinh, sinh viên thuộc khu vực tam giác phát triển Cam- pu-chia, Lào và Việt Nam. Do đó, UBND tỉnh sớm chỉ đạo Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum khảo sát, lựa chọn và tham mưu ưu tiên đào tạo các ngành nghề phù hợp, tính toán lộ trình đào tạo, phương thức đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo; xác định rõ ngành nghề đào tạo trọng điểm, mũi nhọn, gắn với giải quyết việc làm cho địa phương. Sau đợt làm việc này, Đoàn công tác sẽ có báo cáo hoàn chỉnh cho Bộ Lao động-TB&XH; thường xuyên liên kết, có trách nhiệm phối hợp, tổ chức triển khai xây dựng, thực hiện Đề án trên tại Kon Tum.
Tin bài: Văn phòng sở