banner
Thứ 2, ngày 20 tháng 1 năm 2025
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa viết về nội dung và phương hướng xây dựng Luật Việc làm
14-5-2013

Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của người lao động để đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện. Tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo quyền bình đẳng về việc làm cho mọi người lao động là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của chính quyền mỗi quốc gia.

 Với mục đích đảm bảo bình đẳng và thúc đẩy các cơ hội việc làm, việc làm bền vững và an toàn cho người lao động, Dự án Luật việc làm kế thừa và phát triển những chính sách hiện hành đồng thời bổ sung những quy định mới phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm điều chỉnh thống nhất những vấn đề liên quan đến việc làm đối với mọi người lao động, bao gồm cả những người có việc làm, người chưa có việc làm, tập trung vào các nhóm chính sách sau:
Thứ nhất, nhóm chính sách thúc đẩy việc làm và tạo viêc làm bền vững cho người lao động, trong đó, tập trung ưu tiên thúc đẩy việc làm đối với lao động yếu thế.
Nhằm thúc đẩy việc làm và tạo việc làm bền vững cho người lao động, Luật Việc làm quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển việc làm, các chính sách cụ thể nhằm xúc tiến việc làm, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động nói chung và cho các nhóm lao động đặc thù như: chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, chương trình việc làm công, chính sách hỗ trợ dịch chuyển lao động việc làm khu vực nông thôn và hỗ trợ các nhóm lao động đặc thù.
Luật việc làm khẳng định mọi người lao động không phân biệt về giới được bình đẳng về việc làm, bảo đảm cơ hội việc làm, tự do lựa chọn việc làm,… Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có được việc làm phù hợp với nhu cầu, năng lực và điều kiện thực tế, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với vấn đề thúc đẩy việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập và chất lượng việc làm tốt hơn cho người lao động hướng đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động.
Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm được quy định trong Luật Việc làm nhằm thực hiện các mục tiêu hỗ trợ phát triển thị trường lao động và các mục tiêu về việc làm trong từng giai đoạn. Ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là người khuyết tật, lao động là người cao tuổi, lao động nữ.
Chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm trong Luật Việc làm được xây dựng với mục đích hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động thông qua việc cho cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình vay vốn ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm, trong đó, ưu tiên cho vay đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,… và các hộ gia đình có lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,…
Chương trình việc làm công là chính sách mới, được xây dựng nhằm huy động nguồn nhân lực, giải quyết việc làm tại chỗ ở khu vực nông thôn thông qua các chương trình, dự án ở các địa phương như: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã nghèo, xã bãi ngang ven biển và hải đảo, chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững,… Đối tượng của chương trình là lao động khó tiếp cận thị trường lao động như lao động không có tay nghề, lao động thuộc các hộ nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thiếu việc làm ở nông thôn,…
Dự thảo Luật Việc làm cũng quy định chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm tại khu vực nông thôn thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách nâng cao chất lượng việc làm ở khu vực nông thôn, hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề nhằm đẩy mạnh dịch chuyển việc làm nông nghiệp nông thôn sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Ngoài ra, nhằm thúc đẩy việc làm đối với các nhóm lao động đặc thù như lao động làm việc trong các ngành, nghề thủ công truyền thống; lao động là ngươi dân tộc thiểu số, lao động là người khuyết tật, …; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; lao động tự làm,… Dự thảo Luật Việc làm quy định các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên cho các nhóm lao động này như việc ưu tiên cho vay vốn ưu đãi để tự tạo việc làm; tư vấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, tài chính để phát triển các mô hình tạo việc làm hiệu quả; hỗ trợ các khóa đào tạo nghề ngắn hạn gắn với việc làm….

Thứ hai, nhóm chính sách hỗ trợ người lao động tiếp cận các cơ hội việc làm, phát triển thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động hiệu quả
Bên cạnh các chính sách cụ thể để thúc đẩy việc làm, Luật Việc làm cũng đề cập đến các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động tiếp cận với các cơ hội việc làm thông qua hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống dịch vụ việc làm và thông qua việc đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Cơ sở dữ liệu về thị trường lao động có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách, quản lý các nguồn lực quốc gia, phục vụ kết nối cung, cầu lao động hiệu quả. Vì vậy, Dự thảo Luật Việc làm đưa ra khuôn khổ pháp lý trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan trong việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp và công bố thông tin thị trường lao động. 
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hệ thống dịch vụ việc làm đóng vai trò quan trọng sự hình thành và phát triển của thị trường lao động, là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, giúp người lao động có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống bản thân và gia đình, góp phần làm giảm nhu cầu bức xúc của xã hội về việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giúp xã hội phát triển lành mạnh. Dự thảo Luật Việc làm quy định về hoạt động dịch vụ việc làm và tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm (bao gồm các Trung tâm dịch vụ viêc làm do Nhà nước thành lập và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm), theo đó, trách nhiệm của các Trung tâm dịch vụ việc làm (tổ chức dịch vụ công về việc làm) là cung cấp dịch vụ miễn phí cho người lao động, người sử dụng lao động các thông tin về chính sách pháp luật về lao động việc làm và học nghề, tư vấn hướng nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm; cung cấp thông tin về thị trường lao động;…. Đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, dự thảo Luật đưa ra các quy định về việc thành lập và hoạt động nhằm đưa hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng đi vào nề nếp, tạo niềm tin cho người lao động, người sử dụng lao động, là một kênh thông tin hữu dụng giúp Nhà nước trong việc kết nối cung – cầu lao động.
Ngoài ra, để tránh lãng phí khi sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi của mọi người lao động, cũng như đảm bảo an toàn việc làm cho người lao động ở những vị trí làm việc có yêu cầu đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khoẻ, Dự thảo Luật cũng đưa ra quy định về việc đánh giá, công nhận năng lực làm việc của người lao động, và đây cũng là một trong những nội dung lớn mà Việt Nam cần phải thực hiện khi hội nhập kinh tế quốc tế. 
Thứ ba, nhóm chính sách bảo đảm việc làm và hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm 
Ngoài các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động chưa có việc làm, đang tìm việc làm tiếp cận các cơ hội việc làm, việc làm có chất lượng, việc làm bền vững, Dự thảo Luật đưa ra chính sách để hạn chế, ngăn ngừa thất nghiệp đối với người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập cho người lao động trong thời gian thất nghiệp, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm việc làm.
Chính sách bảo hiểm việc làm được phát triển trên cơ sở chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, nhằm hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, nâng cao trình độ tay nghề hoặc đào tạo nghề mới cho người thất nghiệp, giúp người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm; đồng thời hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp.
Ngoài chế độ hỗ trợ dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm và trợ cấp thất nghiệp như chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, chính sách bảo hiểm việc làm dự kiến có thêm chế độ hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp cơ cấu lại lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động.
Thứ tư, cùng với những nội dung nêu trên, Luật Việc làm còn phải đưa ra những quuy định góp phần tăng cường quản lý nhà nước có hiệu quả trong lĩnh vực việc làm
Có thể nói, với việc Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua, tới đây Bộ sẽ trình Chính phủ, Quốc hội Luật việc làm sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc làm, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy, ổn định, bảo đảm việc làm và việc làm bền vững cho người lao động./.

                                                                                                            Nguyễn Thanh Hòa

                                                                        Thứ trưởng thường trực Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Số lượt xem:2820

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


580936 Tổng số người truy cập: 2659 Số người online:
TNC Phát triển: