banner
Thứ 7, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thực trạng vấn đề việc làm cho lao động nông thôn bị thu hồi đất.
3-4-2017

 Cùng với cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản pháp luật là các chương trình mục tiêu: Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình phát triển công nghiệp, dịch vụ; Chương trình xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao và các chương trình, dự án trọng điểm kinh tế - xã hội được thực hiện, góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống của người lao động, trong số đó đa số là lao động thanh niên nông thôn.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, vấn đề lao động và việc làm của thanh niên nông thôn bị thu hồi đất vẫn trong tình trạng thiếu ổn định, thất nghiệp có chiều hướng gia tăng. Đất nông nghiệp thuộc diện thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, và các công trình công cộng,… tăng mạnh nên thanh niên nông thôn càng thêm thiếu việc làm. Kết quả khảo sát về số lao động nông thôn bị thu hồi đất nông nghiêp năm 2016 là 5.004 lao động/623 ha diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Điều đáng nói là, đất bị thu hồi đưa vào dự án nhưng không được triển khai kịp thời, đất bị bỏ hoang trong nhiều năm nên “kỳ vọng” của những lao động bị đưa ra khỏi mảnh đất của họ để sau đó sẽ được thu hút vào làm việc tại các khu công nghiệp như lời hứa của các doanh nghiệp bị rơi vào im lặng. Công tác bồi thường, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, tái định cư,… cũng có nhiều bất cập. Hệ lụy là thanh niên nông thôn vẫn không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập không ổn định bởi công tác đào tạo nghề chưa được đáp ứng đủ để thanh niên có đất bị thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Một bộ phận lớn thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề nên sinh ra chán nản, chơi bời, lêu lổng sa vào các tệ nạn xã hội làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực cho xã hội.

Trước những khó khăn về việc làm, nhiều người đã ra thành phố, đến các khu đô thị, khu công nghiệp để tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, đại đa số việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, bởi trình độ tay nghề còn thấp, quan hệ xã hội hạn hẹp, ít có điều kiện tiếp cận và sử dụng các tư liệu lao động hiện đại, tác phong lao động công nghiệp nên họ chỉ có thể kiếm được những công việc giản đơn theo mùa vụ, mức lương thấp, đời sống khó khăn, không bền vững. Tuy nhiên, có một thực tế là vấn đề tạo việc làm ở các doanh nghiệp chưa coi thanh niên nông thôn là lực lượng lao động chủ chốt nên chưa nhiệt tình và tin cậy để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất chưa nhiều chưa mạnh dạn đầu tư vào các nghề truyền thống, mỹ nghệ, chưa có các chính sách đã ngộ để thu hút và giữ chân được lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo tay nghề, có năng lực làm việc tại địa phương. 

Trong những năm qua, thông qua Chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm có nhiều chính sách ưu đãi, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, gắn dạy nghề với tạo việc làm và tự tạo việc làm cho thanh niên. Trung bình mỗi năm các chương trình cho vay giải quyết việc làm của tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, chủ yếu là lao động thanh niên nông thôn được tham gia vào các thị trường lao động trong và ngoài nước, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

,

Lao động thanh niên học tập ngọai ngữ để tham gia XKLĐ

Trong thời gian tới để thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm cho lao động bị thu hồi đất. Ở từng địa phương cần nỗ lực tìm kiếm những mô hình đào tạo nghề phù hợp để tránh tốn kém, lãng phí. Chú ý đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho thanh niên, học sinh nông thôn mới tốt nghiệp phổ thông giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp như: công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn, bán hàngchú trọng giáo dục ý thức tổ chức, kỷ luật, kỹ năng lao động, tay nghề, ngoại ngữ cho thanh niên ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài và thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; Cùng với đó, mỗi địa phương cần chủ động xây dựng chương trình hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn bị thu hồi đất, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với thông tin về thị trường lao động, tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác, phù hợp với vị trí việc làm và năng lực của mình. Mở rộng các hình thức tư vấn nghề, nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm.

Phát huy sự nỗ lực của cá nhân thanh niên nông thôn trong học tập, lao động và việc làm. Mỗi người phải chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn có tay nghề, cần cù, chịu khó, sáng tạo, rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập những gương thanh niên nông thôn điển hình vượt khó, vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng.

                                      Bài viết: Việt Anh Hào

Số lượt xem:2340

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


493595 Tổng số người truy cập: 1574 Số người online:
TNC Phát triển: