banner
Thứ 3, ngày 21 tháng 1 năm 2025
Các sự kiện nổi bật ngành Lao động - Thương binh và xã hội năm 2013
7-1-2014

Sau đây là danh sách các sự kiện, hoạt động nổi bật của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2013

 

A. LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

 

1. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Ngày 18/9/2013, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 29CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tại Chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động; đổi mới cơ chế, chính sách đa dạng hóa nguồn lực xã hội và chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động.

 

2. Quốc hội thông qua Luật Việc làm

 

Ngày 16/11/2013, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 6, Khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm gồm 7 chương, 62 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Khi có hiệu lực thi hành, Luật sẽ tác động đến hơn 50 triệu người thuộc lực lượng lao động; thúc đẩy các quan hệ xã hội về việc làm phát triển; tạo cơ hội việc làm và đảm bảo việc làm bền vững, an toàn cho người lao động trong xã hội (bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động), góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế song song với đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Luật Việc làm được thông qua sẽ góp phần khắc phục tính dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa thống nhất và vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách pháp luật về việc làm đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, việc làm và tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

3. Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực với sự ra đời và đi vào hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia cùng nhiều vấn đề mới được hướng dẫn thực hiện

Từ ngày 01/5/2013, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 chính thức có hiệu lực. Để đảm bảo các quy định của Bộ luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, trong năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, tham mưu ban hành 13 Nghị định, 09 Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ luật.

Điểm nổi bật trong triển khai thực thi Bộ Luật Lao động năm 2013 là lần đầu tiên ở Việt Nam có Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Đây là cơ quan có chức năng tư vấn trực tiếp đến Chính phủ các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương như: Nghiên cứu đưa ra lộ trình, thời điểm điều chỉnh, mức điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm theo yêu cầu của Chính phủ; Mức lương tối thiểu vùng hàng năm và từng thời kỳ… Hội đồng đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/8/2013.  Đây là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương theo kinh tế thị trường, phù hợp với quá trình hội nhập.

Cùng với đó, nhiều vấn đề mới của Bộ luật cũng đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì cùng các Bộ, ngành hữu quan tham mưu cho Chính phủ  ban hành trong năm qua, trong đó có một số văn bản đáng lưu ý như: Nghị định số 55/2013/NĐ-CP hướng dẫn về việc cho thuê lại lao động, Nghị định 44/2013/NĐ-CP về hợp đồng lao động; Nghị định 45/2013/NĐ-CP về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi v.v…

 

4. Việt Nam và Hàn Quốc ký “Bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình EPS

Ngày 31/12/2013, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã ký Bản ghi nhớ đặc biệt với Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc nối lại việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS theo đúng thỏa thuận đã ký giữa hai Bộ trưởng trong dịp Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Việt Nam tháng 9/2013.

Đây là kết quả của những nỗ lực hơn một năm qua của Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp. Cụ thể, ta đã thực hiện tuyên truyền, vận động rộng khắp trong nước và tại Hàn Quốc để nâng cao nhận thức của người lao động và thân nhân trong việc thực hiện đúng hợp đồng và thực thi pháp luật hai nước, đã ban hành các chính sách mới bao gồm chế tài hành chính và kinh tế để ngăn ngừa tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Kết quả, tỷ lệ lao động đi làm việc ở Hàn Quốc không về nước đã giảm từ 53,1% từ cuối năm 2012 xuống còn 38,2% cuối năm 2013.

Cũng trong dịp này, Văn phòng quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã được khai trương và chính thức đi vào hoạt động tại Seoul nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, tuyên truyền và vận động người lao động về nước đúng hạn, đúng hợp đồng.

 

B. LĨNH VỰC NGƯỜI CÓ CÔNG

 

5. Năm đầu tiên thực hiện quy định về các chế độ ưu đãi bsung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và triển khai tổng rà soát các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015

Để các quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với các mạng ngày 16/7/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hộ được nhanh chóng vào cuộc sống, năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành một số văn bản hướng dẫn quan trọng. Đó là Nghị định số 31/2013 ngày 9/4/2013 hướng dẫn về điều kiện xác nhận, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân và việc xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Pháp lệnh; Nghị định số 101/2013/NĐ-CP ngày 04/9/2013 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Trước đó, chế độ trcấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bt tù đày; trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khnăng lao động từ 81% trở lên đã được thực hiện từ ngày 01/9/2012.

Ngày 22/10/2013, Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư Liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP về hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Đây là văn bản quan trọng góp phần giải quyết những tồn đọng, bức xúc trong việc giải quyết chính sách đối với người có công từ nhiều năm qua.

Đặc biệt, để đánh giá toàn diện, đầy đủ việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng Chương trình phối hợp, triển khai rà soát đối với 7 đối tượng, bao gồm: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong và trên cơ sở rà soát sẽ kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có công. Lễ ký kết Chương trình Phối hợp đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội, ngày 5/13/2013 với sự chứng kiến của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội có liên quan.

Cùng với các hoạt động kỷ niệm 66 năm Ngày thương binh, liệt sĩ diễn ra long trọng, ý nghĩa trên khắp cả nước, ngày 22/9/2013, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Khánh Hoà phối hợp tổ chức Hội nghị Biểu dương người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo với sự tham dự của hơn 400 đại biểu, trong đó có gần 250 đại biểu là người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo, đại diện cho hơn 8,8 triệu người có công trong cả nước. 

 

C. LĨNH VỰC XÃ HỘI

 

6. Chuyển hướng tiếp cận vấn đề nghèo đói theo phương pháp đa chiều phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững, gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững với tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm tính bền vững của các kết quả giảm nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao và sự chênh lệch giữa các vùng miền vẫn còn tồn tại dai dẳng, thì việc tiếp cận, giải quyết vấn đề giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận mới cũng đã được đặt ra tại nhiều diễn đàn, hội nghị quan trọng trong năm.

Lần đầu tiên, phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã thu hút được các cơ quan hữu quan, các tổ chức quốc tế dành sự quan tâm, chia sẻ và đạt được sự nhất trí cao tại Diễn đàn  Quốc tế “Giảm nghèo- Tầm nhìn tương lai” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 16/10/2013. Diễn đàn đã nhấn mạnh nhu cầu tăng cường vai trò chủ động của người nghèo, thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng bị ảnh hưởng vào việc giải quyết các thách thức trong giảm nghèo, khuyến khích người nghèo nói lên tiếng nói của mình, trao quyền để họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo và lôi cuốn sự tham gia của người nghèo vào quá trình lập kế hoạch, giám sát để giảm nghèo bền vững.

Cùng với việc tham mưu kiện toàn, thành lập Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo bền vững, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1617/2013/QĐ-TTg ngày 18/09/2013 phê duyệt danh mục dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam với mục tiêu xây dựng một hệ thống quản lý và triển khai các chương trình trợ giúp xã hội nhằm hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu cho mọi người dân, góp phần giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIMột số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.

Cũng trong năm 2013, Bộ còn tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội góp phần đảm bảo chăm sóc toàn diện hơn cho các đối tượng yếu thế và xã hội hóa sự nghiệp bảo trợ xã hội.

 

7. Các chương trình “Em không phải bỏ học” và “Cùng em đến trường” và “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam”  tiếp tục đạt hiệu quả cao, hướng tới các hoạt động hỗ trợ trực tiếp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Sau gần hai năm hoạt động, Chương trình “Cùng em tới trường” “Em không phải bỏ học” tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm trên cả nước. Đến nay, Chương trình đã thu hút sự đồng hành, tham gia tài trợ của có 33 tổ chức và cá nhân với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng, hỗ trợ cho 6.112 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của 47 tỉnh, thành phố.

Cùng với hai chương trình nêu trên, năm 2013 cũng là năm ghi dấu 5 năm hoạt động của Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam. Kể từ khi đi vào hoạt động với mong muốn góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam bằng các hoạt động cụ thể, mà trước tiên là tạo cơ hội cho mọi trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận, uống sữa mỗi ngày, Chương trình đã nhận được sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các tổ chức, cá nhân trên toàn quốc.

Tổng kết 5 năm hoạt động, đến nay, Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam đã đem hơn 20 triệu ly sữa đến với gần 300 ngàn trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cả nước với tổng kinh phí 75 tỷ đồng.

Với đặc thù là hỗ trợ trực tiếp đến tận đối tượng thụ hưởng, các Chương trình nêu trên ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội cũng như sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trở thành những điểm sáng trong hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

 

D. TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

 

8. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đến năm 2020

            Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 2155/QĐ-TTg về Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đến năm 2020.

          Đây là Đề án đầu tiên về thanh tra chuyên trách được Chính phủ phê duyệt nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tổ chức, hoạt động và chế động chính sách đối với thanh tra ngành Lao động-Thương binh và Xã hội.

Nội dung của Đề án tập trung vào việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh tra viên, công chức thanh tra thông qua nhiều hình thức, bao gồm việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, học tập, trao đổi kinh nghiệm với mục đích kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý của Ngành.

Nguồn: http://www.molisa.gov.vn

Số lượt xem:8161

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


581296 Tổng số người truy cập: 676 Số người online:
TNC Phát triển: