Hỗ trợ gạo cho người dân thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, tín dụng ... được thực hiện đảm bảo theo quy định. Trong năm 2021, Hội Khuyến học tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương trao 902 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; khen thưởng cho 76 học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc với tổng số kinh phí là 1.815 triệu đồng; thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo tương ứng với 54.450 lượt người; hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 136 hộ nghèo với kinh phí thực hiện là 4.042 triệu đồng từ nguồn Quỹ vì người nghèo; có 10.284 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, doanh số đạt 489.019 triệu đồng...
Về chính sách cứu trợ đột xuất, các đơn vị có liên quan đã phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thăm, tặng quà cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền; Thực hiện hỗ trợ 161.055 kg gạo cứu đói dịp Tết nguyên đán cổ truyền và đói giáp hạt cho 3.035 hộ/10.737 khẩu.
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội đã tích cực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh: Thông qua các buổi sinh hoạt Hội, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền cho hội viên về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động, các chính sách về hỗ trợ giảm nghèo; giáo dục nâng cao kiến thức cho hội viên phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, ỷ lại; cùng nhau đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ về vốn, ngày công, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật... thu hút đông đảo hội viên tham gia. Đồng thời, đã triển khai có hiệu quả, hỗ trợ giảm nghèo như: mô hình nuôi heo sọc dưa, trồng hồng đảng sâm, sâm đương quy, dệt thổ cẩm, các mô hình trang trại,… tiêu biểu như các mô hình trồng sâm dây của Hội phụ nữ xã Tu Mơ Rông, Tê Xăng; mô hình nuôi bò sinh sản của xã Mo Rai hay các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, tổ hợp tác và hợp tác xã của hội viên Hội nông dân,...
Đạt được những kết quả như trên là do các cấp, các ngành đã tổ chức quán triệt và tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Kịp thời ban hành các văn bản theo chỉ đạo của Trung ương về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh như: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 28/10/2021 về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện đến khi có văn bản mới thay thế hoặc bãi bỏ đối với các Nghị quyết có liên quan đến giảm nghèo; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021; các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo; thực hiện kiểm tra đánh giá và báo cáo công tác giảm nghèo năm 2021 trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021; chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát, hoàn thiện các nội dung về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phục vụ xây dựng Nghị quyết của Tỉnh ủy về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn:
- Năm 2021 là năm giao thời giữa giai đoạn cũ và giai đoạn mới, trong khi Trung ương chưa ban hành các chính sách cho giai đoạn mới và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; theo đó tại địa phương phải tham mưu gia hạn thời gian Kế hoạch tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và xây dựng các nghị quyết của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh về giảm nghèo. Đến thời điểm này Chính phủ đã phân bổ vốn để thực hiện các nội dung thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành. Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định hộ có mức sống trung bình được thực hiện đồng bộ một thời điểm (gồm chuẩn nghèo giai đoạn cũ 2016-2020, chuẩn nghèo giai đoạn mới 2021-2025 và xác định hộ có mức sống trung bình); khối lượng công việc nhiều, biểu mẫu rà soát áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 còn mới nên trong quá trình thực hiện rà soát, đội ngũ cán bộ, công chức và rà soát viên còn gặp nhiều khó khăn; một số rà soát viên thôn, cán bộ xã hội cấp xã vùng khó khăn tham gia việc rà soát mới được phân công nhiệm vụ do đó còn ảnh hưởng đến cập nhật tổng hợp số liệu theo biểu mẫu và tiến độ thực hiện.
- Thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất của một bộ phận người dân và gây khó khăn cho các cơ quan, địa phương triển khai các chương trình, chính sách về giảm nghèo.
- Việc triển khai thu hồi, luân chuyển vốn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo của các năm trước triển khai còn chậm (chưa thực hiện thu hồi, luân chuyển vốn). Một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều của Đảng, Nhà nước; các chính sách giảm nghèo chuyển từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện thu hồi bảo toàn nguồn lực. Vẫn còn 03/10 huyện, thành phố không đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 theo Kế hoạch số 696/KH-UBND ngày 01 tháng 03 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum (gồm huyện Đăk Glei, Đăk Tô và Kon Plông).
- Một số nơi cán bộ cấp xã, Hội, Tổ Tiết kiệm và vay vốn vùng sâu, vùng xa chưa thật sự quan tâm, nhiệt tình trong công tác cho vay, thu nợ để giúp bà con thoát nghèo. Chất lượng tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh chưa thực sự bền vững, một số nơi chưa kiểm soát được nợ quá hạn; việc bình xét cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, xử lý nợ bị rủi ro có nơi, có lúc chưa kịp thời.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian đến, tỉnh Kon Tum đã đề ra các giải pháp trọng tâm thực hiện, cụ thể:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.
2. Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân và cộng đồng; tuyên truyền, giới thiệu những cá nhân, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.
3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo; tham gia hoàn thiện chính sách giảm nghèo; thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
4. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo.
5. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phối hợp, triển khai thực hiện công tác giảm nghèo./.
Tin và ảnh: Nguyễn Hương
Một số hình ảnh hoạt động trong năm 2021:
Tập huấn trực tuyến quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên địa bàn tỉnh
Kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo và tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021