Quỹ quốc gia về việc làm được sử dụng để cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đến nay, đã có 1.372 dự án vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội với doanh số cho vay 44,3 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 1.511 lao động thông qua nguồn vốn, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.
Số lao động được tạo việc làm năm 2018 là khá cao so với những năm trước, một phần do Nghị định 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm thay thế Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý và điều hành Quỹ quốc gia về việc làm đã quy định đối tượng vay vốn là “người lao động” thay cho “hộ gia đình” trước đây. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, tuyên truyền và kiểm tra giám sát cũng được triển khai thực hiện chặt chẽ giữa các cấp.
Lao động được giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo và phát triển kinh tế cho nhân dân. Đã có nhiều mô hình trồng trọt (cà phê, cao su, bời lời, cây an quả, rau...), chăn nuôi triển khai có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Một số mô hình dự án vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm
Hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân là rất cao, tuy nhiên nguồn vốn vay là có hạn, nguồn vốn bổ sung hàng năm của trung ương còn hạn chế, do vậy chưa đáp ứng hết nhu cầu vay vốn. Cũng vì thế, Ngân hàng chính sách xã hội mới chỉ cho vay các dự án của hộ gia đình và người lao động, chưa có dự án của cơ sở sản xuất kinh doanh.
|
|
Kiểm tra, giám sát các dự án vay vốn
|
Trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, giám sát nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động./.
Tổng hợp: Lê Thương