banner
Thứ 2, ngày 20 tháng 1 năm 2025
Tổ tự quản giảm nghèo ở thị trấn Đăk Rve.
10-4-2017

Vợ chồng anh Đinh Văn Phúc ở thôn Kon Vang (thị trấn Đăk Rve) được các thành viên trong Tổ tự quản giảm nghèo của thôn giúp nhổ xong 1ha mì chỉ trong vòng một ngày; sau đó họ lại giúp gia đình anh làm cỏ 1,5ha cà phê cũng chỉ trong 1 ngày. Mọi việc đồng áng đều được Tổ tự quản giải quyết nhanh gọn.

Anh Phúc phấn khởi cho biết: Từ ngày tham gia vào mô hình Tổ tự quản giảm nghèo của thôn, việc thu hái nông sản, chăm sóc cây trồng các loại của gia đình, vợ chồng tôi không phải lo lắng nhiều về nhân công, vì được 14 thành viên trong Tổ đến giúp đỡ...

Chính nhờ sự tương trợ của Tổ tự quản, mỗi đợt làm cỏ mì hay bón phân, thu hái cà phê, gia đình anh Phúc tiết kiệm được từ 2 – 3 triệu đồng tiền thuê công;  thời gian làm lụng, thu hái sản phẩm nông sản cũng được rút ngắn hơn trước đây rất nhiều nên vợ chồng anh có thời gian làm thêm ở các làng khác để kiếm thêm thu nhập.

Thành viên Tổ tự quản giúp gia đình anh Đinh Văn Phúc làm cỏ cà phê.

Anh A Blim cho biết thêm: Sau khi thu hoạch mì của các hộ gia đình xong, mọi người trong Tổ có kế hoạch sẽ đến giúp gia đình anh làm chuồng bò, bởi ai cũng phấn khởi khi biết gia đình anh mới mua được 1 con bò giống từ sự hỗ trợ của chương trình giảm nghèo PRPP. Theo anh A Blim (người thôn Kon Vang), gia đình anh trồng được 1ha mì ở rẫy rất xa nhà nên những mùa vụ thu hoạch trước phải mất cả tuần để vừa thu hoạch vừa vận chuyển nông sản về nhà, vì ngoài vài người bà con trong họ hàng đến đổi công thì gia đình anh cũng không có tiền để thuê mướn thêm lao động. Thế nhưng, vụ thu hoạch mì vừa qua của gia đình anh chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày đã xong. Thu hoạch rẫy mì của gia đình xong, cả tuần nay, anh A Blim tích cực cùng với các thành viên trong Tổ đến giúp đỡ các gia đình trong nhóm đi thu hoạch mì.

Tổ tự quản giảm nghèo là mô hình tổ chức quản lý mang tính đặc thù của người nghèo, tập hợp một nhóm hộ nghèo, trực tiếp quản lý từng hộ nghèo - đây là mô hình khá mới mẻ được triển khai trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Vì vậy, trước khi triển khai mô hình, các hộ nghèo đăng ký tham gia vào Tổ tự quản giảm nghèo đều được dự án tổ chức tập huấn để nắm bắt cách thức tổ chức quản lý, sinh hoạt cụ thể để khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau thoát nghèo của các hộ nghèo. Một cán bộ ở thị trấn Đăk Rve giải thích cho tôi biết về mô hình Tổ tự quản giảm nghèo đang được triển khai tại địa phương.

Anh A Lanh vừa là Thôn trưởng, vừa là Tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo của thôn Kon Vang cho biết: Hiện, thôn Kon Vang có đến 83% số hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí đa chiều. Trước đây, bà con trong thôn cũng hay giúp nhau đổi công nhưng không thường xuyên và số lượng người tham gia cũng ít, chủ yếu là anh em trong họ hàng, còn lại các hộ gia đình tự thuê mướn nhân công lao động. Vì vậy những gia đình không có điều kiện thì việc thu hái nông sản kéo dài rất nhiều ngày. Khi mô hình được triển khai, bà con trong thôn cũng còn e dè vì sợ không hiệu quả nên chỉ có 8 thành viên tham gia. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn triển khai, mô hình đã thu hút 14 thành viên tham gia. Các hộ nghèo tham gia vào Tổ tự quản đều có ý thức giúp đỡ nhau để mau chóng thoát nghèo.

Hiện nay, Tổ tự quản giảm nghèo của thôn Kon Vang đang triển khai xây dựng thêm nguồn quỹ tiết kiệm xoay vòng, giúp nhau giảm nghèo. Theo đó, mỗi quý, các thành viên trong Tổ sẽ đóng góp 25.000 đồng; số tiền góp được sẽ giúp các hộ nghèo trong Tổ vay với lãi suất thấp nhằm giải quyết khó khăn.

Nhờ ý nghĩa đó của mô hình, hiện tại, 4 tổ tự quản trên địa bàn thị trấn Đăk Rve tại các thôn Kon Vang, Trà Bồng, Kon Cheo Leo và thôn 4 đã phát triển gấp đôi số lượng thành viên tham gia so với thời điểm đầu. Tổ tự quản giảm nghèo ít nhất có 10 thành viên, tổ nhiều nhất lên đến 30 thành viên.

Ông Nguyễn Xuân Biên - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve khẳng định: Với hình thức giúp nhau giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi, làm ăn kinh tế, các Tổ tự quản giảm nghèo trên địa bàn thị trấn đã tự chủ động nhân rộng cách thức hoạt động. Bước đầu mô hình đã đem lại những kết quả đáng khích lệ, người dân tham gia tổ tự quản được chủ động đóng góp nhiều ý kiến cho thôn, cho thị trấn, tạo được tinh thần tiên phong, gương mẫu tại cộng đồng khu dân cư; hạn chế rất nhiều tình trạng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước; người nghèo có tinh thần tự giác cao hơn, biết cách vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình mình.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Nguồn: baokontum.com.vn/ 

Số lượt xem:1513

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


580973 Tổng số người truy cập: 2783 Số người online:
TNC Phát triển: