banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại tỉnh Kon Tum.
25-3-2019

Ngày 21/3/2019, đoàn đã làm việc với UBND huyện Đắk Glei, Sa Thầy. nhân dịp làm việc tại 02 huyện, đoàn đã tặng 100 suất học bổng cho các em học sinh, tổng trị giá 50 triệu đồng (mỗi suất trị giá năm trăm nghìn đồng).
Sáng ngày 22/3/2019 tại trụ sở UBND tỉnh Kon Tum, làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố là thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kon Tum.
Để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các CTMTQG, trên cơ sở các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập BCĐ các CTMTQG tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020; ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thành viên; kế hoạch hoạt động hàng năm, kế hoạch hoạt động giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020; 10/10 huyện, thành phố đã triển khai kiện toàn hoặc thành lập mới BCĐ các CTMTQG giai đoạn 2016-2020, đồng thời ban hành quy chế hoạt động của BCĐ cấp mình để triển khai thực hiện; 102/102 xã, phường, thị trấn bố trí cộng tác viên giảm nghèo cấp xã. Nhìn chung, hoạt động của BCĐ các CTMTQG ở các cấp đã được triển khai bài bản, hoạt động có hiệu quả, đã kịp thời nắm bắt tình hình để chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương giải quyết các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2012-2018, tổng nguồn lực được giải ngân khoảng 7.625 tỷ đồng, ngoài ra nguồn lực thông qua UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức Hội, đoàn thể cũng đã góp phần đáng kể trong việc giảm bớt khó khăn, hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng yếu thế. Vì vậy, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh tính đến cuối năm 2018 là 22.851 hộ, chiếm tỷ lệ 17,29% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,58%/năm; Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 21.392 hộ, chiếm tỷ lệ 30,89% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh, bình quân tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,05%/năm, đạt 129,1% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo.
Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống. Kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Mặc dù trong điều kiện nguồn lực địa phương còn hạn chế, ngoài nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án từ ngân sách Trung ương, UBND các cấp đã quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung, hoạt động trọng tâm của từng chương trình, qua đó góp phần nâng cao kết quả thực hiện các chương trình, duy trì và nâng cao kết quả giảm nghèo bền vững. Công tác đào tạo, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững được quan tâm, đổi mới với nhiều phương thức mới nâng cao công tác tuyên truyền về chính sách, định hướng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; cập nhật, đưa tin về các mô hình, kinh nghiệm điển hình, tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những tồn tại, khó khăn: Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao, còn 04/10 huyện, thành phố chưa đạt kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo so với kế hoạch đề ra. Vẫn còn tình trạng đã thoát nghèo nhưng chây ỳ không trả nợ; một số hộ nghèo khi được đưa vào diện điều tra đã cố tình giấu tài sản gây khó khăn trong công tác điều tra. Một bộ phận hộ nghèo người DTTS, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Việc bố trí nguồn vốn của một số chương trình cho vay tại một số thời điểm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của Nhân dân. Việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới áp dụng giai đoạn 2016-2020 theo hướng tiếp cận đa chiều có nhiều điểm mới nên một số địa phương triển khai thực hiện còn lúng túng, sai sót. Giai đoạn đầu của kế hoạch (2016-2017), các văn bản giao vốn, hướng dẫn, quy định thực hiện các CTMTQG của Trung ương chậm được ban hành như: Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; Danh sách xã, thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 được phê duyệt có sự thay đổi so với năm 2016,… đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ kế hoạch vốn các năm đầu giai đoạn, công tác trình thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn cho các dự án khởi công mới...
Để khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới cần: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức truyền thông phù hợp về các chính sách, dự án của Đề án giảm nghèo để các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể chỉ đạo triển khai công tác giảm hộ nghèo, kiên quyết khắc phục tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh hộ nghèo mới; tăng cường đối thoại chính sách với người dân; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của hộ nghèo; mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch; triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện…bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện. Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cao; sử dụng có hiệu quả đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo cấp xã, không chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ với đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã. Gắn kết thực hiện Đề án giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp tạo cho cơ sở chủ động từ khâu kế hoạch đến điều hành quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Đề án giảm nghèo. Thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực các chính sách có cùng mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động- việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí đa chiều như y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, ưu tiên phát triển hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ và nước sinh hoạt. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy chế phối hợp trong việc thực hiện chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo; bảo đảm sử dụng đúng nguồn kinh phí đầu tư vùng nghèo, hỗ trợ hộ nghèo. Định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết đánh giá từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh để phát huy các mặt tích cực, khắc phục các khuyết điểm, hạn chế trong triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 của tỉnh trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo và có biện pháp hỗ trợ các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao trong thực hiện Đề án giảm nghèo.…
Đồng thời, UBND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất: Hằng năm sớm phân bổ vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương triển khai thực hiện. Có cơ chế hỗ trợ chế độ ăn, nghỉ cho tất cả các đối tượng cán bộ xã và cộng đồng khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng có liên quan trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo theo tiêu chí thu nhập và người nghèo theo tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện các chính sách (chính sách tiền điện, chính sách về bảo hiểm y tế...). Ban hành các chính sách hỗ trợ hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo để họ thoát nghèo bền vững. Hướng dẫn cụ thể về cơ chế luân chuyển, mức thu hồi vốn thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, da dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo phù hợp với từng vùng, miền. Để tạo quỹ đất, giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiếu số thiếu hoặc không có đất ở và đất sản xuất cần tiến hành rà soát, sắp xếp lại các nông - lâm trường, công ty lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ để thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả hoặc không đúng mục đích, đất gần khu dân cư cụ thể: Đối với các hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng không có quỹ đất ngoài hình thức chuyển đổi sang hỗ trợ ngành nghề có thể thực hiện việc giao khoán, trồng rừng cho các hộ dân đối với các địa phương có diện tích rừng. Nâng định mức hỗ trợ bằng tiền đối với những địa phương không có quỹ đất sản xuẩt chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề từ 5 triệu đồng/hộ lên 10 triệu đồng/hộ cho phù hợp với nhu cầu thực tế để các hộ nghèo có đủ kinh phí để mua một con bò giống sinh sản, mua các dụng cụ phục vụ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến biểu dương nỗ lực của Kon Tum đã chỉ đạo kịp thời các chương trình, chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững thời gian qua. Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum cần bổ sung, báo cáo chi tiết hơn về nguyên nhân tái nghèo, phát sinh nghèo, để Đoàn giám sát tổng hợp, kiến nghị các cấp có giải pháp giải quyết tốt hơn trong thời gian tới.

Tin và bài: Nguyễn Hương.

Hình ảnh đoàn đánh giá làm việc tại tỉnh Kon Tum:



Đoàn giám sát UBTVQH làm việc với UBND tỉnh Kon Tum


Đoàn giám sát UBTVQH làm việc với UBND huyện Đắk Glei


Đoàn giám sát UBTVQH tặng học bổng cho trẻ em vượt khó học giỏi huyện Đắk Glei


Đoàn giám sát UBTVQH làm việc với UBND huyện Sa Thầy

Đoàn giám sát UBTVQH tặng học bổng cho trẻ em vượt khó học giỏi huyện Sa Thầy.
 

Số lượt xem:1632

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


494688 Tổng số người truy cập: 141 Số người online:
TNC Phát triển: