1. Thực trạng:
Trong thời gian qua, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã tích cực tham mưu, giúp Giám đốc Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước của Ngành.
Hàng năm, Thanh tra Sở đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách của Ngành, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Ngành.
Đến thời điểm hiện nay, tổng số công chức, thanh tra viên của Thanh tra Sở Lao động-TB&XH tỉnh Kon Tum là 03 người. Trong đó: 01 Chánh Thanh tra, 01 Phó Chánh thanh tra và 01 Công chức Thanh tra, hoạt động thanh tra rộng trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song thực trạng năng lực của thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập trước xu thế phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.
Ngày 11/11/2013 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2155/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động- Thương binh và Xã hội đến năm 2020”; Ngày 19/02/2014 Bộ Lao động-TB&XH đã ban hành Quyết định 193/QĐ-LĐTBXH về việc Kế hoạch thực hiện “Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020”.
2. Sự cần thiết nâng cao năng lực:
Thanh tra, kiểm tra là một trong ba khâu quan trọng của chu trình quản lý là nước gồm: ban hành chính sách, pháp luật; triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách nhằm đảm bảo chính sách được thực thi, đồng thời qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện những bất cập, sơ hở để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, là cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Các lĩnh vực quản lý của ngành đều tác động trực tiếp đến con người, tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý Nhà nước của Ngành, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội thì công tác thanh tra, kiểm tra cần được triển khai thường xuyên, liên tục, trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngành. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có lực lượng thanh tra đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu tổ chức phù hợp cũng như các điều kiện hỗ trợ khác đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Số lượng thanh tra viên, công chức thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum còn hạn chế nhiều so với đòi hỏi thực tiễn của nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của công tác thanh tra đòi hỏi mỗi cán bộ thanh tra phải được trang bị nhiều chuyên ngành khác nhau mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Có thể khẳng định rằng, với số lượng và năng lực của thanh tra viên cơ quan Sở Lao động - Thương binh và Xã hội như hiện nay khó có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Trang thiết bị văn phòng, trang thiết bị chuyên dụng, phương tiện đi lại của thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum còn nhiều hạn chế, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của hoạt động thanh tra.
Xuất phát từ các yếu tố khách quan, chủ quan nêu trên và điều kiện thực tế của thanh tra Sở Lao động-TB&XH tỉnh Kon Tum cho thấy, việc nâng cao năng lực cho thanh tra Sở Lao động - TB&XH tỉnh Kon Tum là yêu cầu cấp thiết./.
Bài viết: Tính Thanh