banner
Thứ 2, ngày 20 tháng 1 năm 2025
Giải pháp thực hiện hiệu quả việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội qua hệ thống Bưu điện.
18-5-2018
 Việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống Bưu điện góp phần giảm áp lực công việc cho Phòng Lao động-TB&XH cấp huyện, thành phố, cho công chức Xã hội cấp xã, phường, thị trấn; giúp cán bộ làm công tác TB&XH cấp xã có nhiều thời gian tập trung vào công tác chuyên môn, tuyên truyền phổ biến chính sách, quản lý đối tượng,... giảm được rủi ro trong quá trình giao, nhận tiền từ huyện về cấp phát cho đối tượng tại xã. Kịp thời phát hiện những đối tượng từ trần, đối tượng không có ở địa phương chuyển đi nơi khác và loại bỏ được những đối tượng hưởng trùng chính sách chế độ như vừa hưởng hưu trí, vừa hưởng trợ cấp xã hội... đã được giải quyết cắt chế độ kịp thời theo quy định. Việc chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện đã góp phần phân định rõ ràng, minh bạch, công khai giữa việc xét duyệt hồ sơ trợ cấp và việc thực hiện chi trả; thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách xã hội tại từng cấp. Góp phần cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện chế độ chính sách của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trợ cấp xã hội. Qua gần 02 năm triển khai thực hiện chưa có trường hợp thất thoát ngân sách, đảm bảo an toàn tiền mặt, thuận tiện cho các đối tượng bảo trợ xã hội khi đến nhận và sử dụng khoản tiền trợ cấp đúng mục đích.
Description: C:\Users\Admin\Downloads\31300408_2053007124955887_8982901561507995381_n.jpg
(Toàn cảnh Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chi trả qua Bưu điện tại thành phố Kon Tum)
Song bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, bất cập cần có giải pháp cụ thể trong thời gian đến, đó là: Việc quy định thời gian chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng 01 ngày/tháng, còn khó khăn cho một số đối tượng chậm nhận được thông tin để đến nhận trợ cấp đúng thời gian quy định; Chưa có quy định cụ thể về thời gian làm việc của cán bộ Bưu điện văn hoá xã, chưa quy định hàng tháng cần bao nhiêu thời gian để thực hiện công tác chi trả và thời gian để đi đến từng hộ gia đình có người cao tuổi, người khuyết tật. Thái độ của nhân viên Bưu điện cấp xã có lúc, có nơi còn hạn chế; Các ngành chưa chủ động, kịp thời phối hợp tổ chức tập huấn về pháp luật, các chính sách, về công tác chi trả trợ giúp xã hội cho đội ngũ nhân viên hệ thống Bưu điện tỉnh. Phần lớn nhân viên bưu điện còn hạn chế việc tuyên truyền giải thích cho đối tượng, nhất là khi đối tượng có thay đổi về nhóm đối tượng, điều chỉnh về thời gian, hệ số, mức trợ cấp. Chưa có kinh phí thực hiện công tác truyền thông về thực hiện các chính sách đối tượng bảo trợ xã hội tại tỉnh mà phải thực hiện lồng ghép các chương trình có liên quan. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Nhân viên bưu điện với cán bộ xã hội cấp xã có liên quan đến đối tượng tăng, giảm tại địa bàn đôi lúc chưa kịp thời, còn thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến việc cập nhật thông tin, xét duyệt, theo dõi, tăng giảm đối tượng BTXH hàng tháng.
 Mặt khác, một số UBND các xã, phường, thị trấn chưa kịp thời xác nhận danh sách chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng do Bưu điện huyện, thành phố đề nghị dẫn đến việc lập thủ tục theo dõi giảm đối tượng và quyết toán kinh phí theo quy định còn chậm. Chưa có kế hoạch thực hiện truyền thông những chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước trong việc thực hiện chi trả trợ giúp xã hội qua hệ thống bưu điện, để người dân tại cộng đồng hiểu, biết và cùng tham gia thực hiện nên vẫn còn tình trạng đối tượng không đến nhận chế độ theo hàng tháng, để nhận theo hàng quí; còn ảnh hưởng đến việc tổng hợp, xác nhận danh sách chi trả tại cấp xã. Nhân viên bưu điện thực hiện chi trả của một số xã chưa thực hiện chi trả trợ cấp tại nhà kịp thời cho các đối tượng ốm đau, già yếu, khuyết tật đặc biệt nặng,... không thể đi đến điểm chi trả nhận trợ cấp.  Một số đối tượng khi đến nhận thay tiền trợ cấp bảo trợ xã hội không có giấy uỷ quyền hoặc giấy uỷ quyền đã quá hạn. Vẫn còn tình trạng đối tượng không ký nhận, mà thực hiện điểm chỉ không ghi rõ tên người nhận.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là: Sự phối hợp trong công tác tuyên truyền về phương thức chi trả trợ giúp xã hội ở địa phương còn hạn chế, còn tình trạng chưa phối hợp tổ chức thực hiện chi trả giữa Bưu điện, Phòng Lao động-TB&XH, UBND xã để phục vụ tốt nhất cho đối tượng BTXH. Các đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhân viên bưu điện mới thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội chưa thông hiểu tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương, còn chậm trong quá trình chi trả. Nhân viên Bưu điện chưa được bồi dưỡng, tập huấn về chính sách, chế độ BTXH do đó còn hạn chế trong việc giải đáp thắc mắc về các chế độ, chính sách cho đối tượng. Một số xã chính quyền địa phương chưa thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện. Công chức xã hội một số xã chưa chủ động phối hợp với cán bộ chi trả để nắm bắt, theo dõi việc chi trả chế độ cho đối tượng.
Description: C:\Users\Admin\Downloads\chi tra bD.jpg
Ảnh: Lãnh đạo Sở LĐ- TB & XH và Bưu điện tỉnh trao đổi tại Hội thảo nâng cao chất lượng công tác chi trả trợ cấp BTXH qua hệ thống Bưu điện
Để phát huy những mặt làm được và khắc phục những tồn tại trong thời gian vừa qua, cần tập trung vào các giải pháp, đó là:
 - Đối với Sở LĐ – TB & XH và Bưu điện tỉnh: Chủ động có kế hoạch triển khai tổ chức hội nghị tập huấn nhằm hướng dẫn các quy định của chính sách, pháp luật về công tác chi trả trợ giúp xã hội cho nhân viên thuộc hệ thống Bưu điện cấp tỉnh, huyện, xã. Xác định rõ trách nhiệm mỗi đơn vị được quy định trong Quy chế phối hợp số 927/QCPH-LN, ngày 23/6/2017 giữa Sở Lao động-TB&XH và Bưu điện tỉnh để bổ sung thêm vào quy chế một số nội dung và quy định cụ thể về thời gian, cách thức thực hiện chi trả cấp cơ sở;... để hướng dẫn cho cấp cơ sở thực hiện.  Tăng cường chỉ đạo Phòng Lao động-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp với Bưu điện huyện, thành phố thực hiện tốt công tác ký kết hợp đồng và chi trả trợ giúp xã hội qua hệ thống Bưu điện tại cấp cơ sở. Chủ động có kế hoạch phối hợp trong việc thực hiện: truyền thông, kiểm tra giám sát, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện công tác chi trả trợ giúp xã hội qua hệ thống Bưu điện tại tỉnh; có giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác chi trả trợ giúp xã hội kịp thời; phối hợp thực hiện sơ, tổng kết hàng năm. Bưu điện tỉnh chỉ đạo bưu điện các huyện, thành phố quan tâm và sâu sát hơn nữa đối với việc phối hợp cấp phát trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội; đồng thời thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và thực hiện đúng theo Hướng dẫn liên ngành số 05/HDLN-SLĐTBXH-STC-BĐ, ngày 05/6/2017 giữa Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-Sở Tài chính-Bưu điện tỉnh về thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội qua hệ thống Bưu điện. Quan tâm bố trí kinh phí để phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện công tác tập huấn, truyền thông trong thời gian đến.
- Đối với các huyện, thành phố: Phòng Lao động-TB&XH các huyện, thành phố Phối hợp UBND các xãtăng cường tuyên truyền phương thức chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống phát thanh huyện, xã và trong các buổi họp thôn, họp đoàn thể... để tất cả mọi người dân đều biết và thực hiện.Trong quá trình thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng bằng hình thức điểm chỉ, nhân viên bưu điện chi trả phải ghi rõ họ tên của đối tượng (hoặc ghi rõ quan hệ người nhận thay) để thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát.Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hợp đồng ký kết về việc thực hiện chi trả chế độ chính sách bảo trợ xã hội, nhất là việc chi trả trợ cấp hàng tháng qua hệ thống Bưu điện, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức và thời gian chi trả, kịp thời giải quyết những khó khăn, phát sinh, vướng mắc… Bưu điện các huyện, thành phố tăng thời gian chi trả lên 2 hoặc 3 ngày đối với các xã, phường, thị trấn có đông đối tượng, tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện chi trả với Bưu điện văn hóa xã và UBND xã để phục vụ tốt nhất cho đối tượng BTXH (nhất là trùng vào ngày nghỉ theo quy định).
- Đối với các xã, phường, thị trấn: Có qui định rõ nhiệm vụ phối hợp giữa Nhân viên bưu điện với Cán bộ xã hội cấp xã trong việc: kịp thời chia sẻ thông tin có liên quan đến đối tượng tăng, giảm tại địa bàn cấp xã, trách nhiệm trong việc kết nối thông tin để giải quyết kịp thời các tình huống nảy sinh; tự giám sát, báo cáo kết quả thực hiện về UBND xã và cơ quan cấp trên theo hệ thống ngành, đơn vị. UBND xã xác nhận vào danh sách chi trả trợ cấp xã hội do Bưu điện thực hiện tại xã để phối hợp Phòng Lao động-TB&XH trong công tác quyết toán theo quy định tài chính hiện hành; phổ biến cho đối tượng BTXH/hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội khắc phục tình trạng nhận thay không có giấy uỷ quyền của người nhận trợ cấp, dễ xảy ra sai sót.
Để công tác chi trả trợ cấp xã hội ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng của các đối tượng BTXH. Đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội qua hệ thống bưu điện trong thời gian qua để các tỉnh tham dự và trao đổi kinh nghiệm, từ đó có sự thống nhất thực hiện trong phạm vi toàn quốc./.

                                                                             Phòng BTXH

Số lượt xem:2418

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


581008 Tổng số người truy cập: 2887 Số người online:
TNC Phát triển: