banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Tiếp sức cho người nghèo
15-3-2017

Nhìn từ Diên Bình

Được sự giới thiệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, chúng tôi đến thăm 4 hộ thoát nghèo ở thôn 5, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) nhờ tham gia mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2008 - 2011. Đến nay, họ vẫn giữ lại nguồn vốn là con bò mẹ sinh sản; cùng với sản nghiệp có được là rẫy cà phê, cao su, mì và xây nhà ở mới, đầu tư mua xe công nông, các vật dụng sinh hoạt khác.   

Trò chuyện với họ có thể thấy, dù xuất phát điểm nghèo khó, nhưng ý thức vươn lên làm giàu của những con người này rất đáng khâm phục. Chẳng hạn như ông A Phin A, với sự lao động cần cù và kiên nhẫn chăm sóc bò sinh sản tích cực, sau 3 năm (2008-2011), ông đã lãi 2 con bò và nguồn vốn đầu 1 bò mẹ. Những năm tiếp theo, bò mẹ vẫn cho sinh sản tốt, ông lần lượt bán bò để mua cây giống cao su, cà phê, mì trồng trên 3,5ha đất rẫy của gia đình. Năm 2014, ông còn xây lại nhà mới gần 60 triệu đồng, từ việc thu hoạch mì dưới tán cây cao su.

Còn gia đình ông A Phương nuôi bò sinh sản được hơn 7 con. Từ năm 2014 - 2016, vợ chồng đã bán 4 con mua xe công nông, phần tiền còn lại mua thêm đất sản xuất và khai khoang hơn 2ha để đầu tư 600 gốc cây điều. Ông hy vọng, vài năm nữa, khi cây điều cho thu hoạch trung bình 15kg hạt tươi/cây với giá hiện tại 25 ngàn đồng/kg, thì mỗi năm gia đình thu về hơn 250 triệu đồng.    

Ông Nguyễn Quốc Trọng - Cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội xã Diên Bình thông tin, năm 2008, dự án giảm nghèo bền vững hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò sinh sản kết hợp với phát triển kinh tế hộ. Thôn 5 có 7/62 hộ nghèo tham gia dự án với tổng kinh phí 90 triệu đồng. Mỗi hộ được đăng ký và nhận nguồn vốn 5- 8 triệu đồng không tính lãi trong 3 năm, cộng thêm vốn gia đình bỏ ra 1-2 triệu đồng/hộ để mua 1 con bò sinh sản.

Kết thúc dự án năm 2011, cả 7 hộ ở thôn 5 đã vay và trả đủ nguồn vốn gốc đúng hạn. Tổng kết dự án, mỗi hộ có phần lãi 2 - 3 con bò mẹ và con. Riêng nguồn vốn dự án được trả về huyện, sau đó chuyển lại cho UBND xã Diên Bình quản lý và thành lập Ban quản lý dự án chuyển nguồn vốn thành “Quỹ giúp sức người nghèo”.

Năm 2012 đến nay, nguồn quỹ này tiếp tục đầu tư ở thôn 5 (xã Diên Bình) cho 5 – 10 hộ nghèo vay vốn đầu tư mua bò sinh sản. Trung bình mỗi năm, thôn 5 có 5-10 hộ thoát nghèo bền vững.

Quỹ giúp sức người nghèo

Theo báo cáo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 20 xã, thị trấn ở 7 huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, Sa Thầy, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum có nguồn quỹ thực hiện dự án.

Từ năm 2011 đến nay, nguồn vốn này được UBND các huyện, thành phố ra quyết định chuyển thành “Quỹ giúp sức người nghèo” và bàn giao về UBND xã để thành lập Ban điều hành quỹ cấp xã. Thông qua nguồn quỹ này, các địa phương đã giúp hộ nghèo có vốn vay không tính lãi, phát triển sản xuất - chăn nuôi, nâng cao mức sống và xóa nghèo bền vững.

Qua theo dõi, kiểm tra của ngành chức năng, hầu hết số bò sinh sản được hỗ trợ ban đầu nay vẫn còn. Đáng mừng là không ít hộ nghèo người DTTS đã vươn lên, trở thành các gia đình tiêu biểu về làm kinh tế hộ. Đồng thời, sau khi thực hiện quy định về quản lý, điều hành nguồn dự án bàn giao về UBND cấp xã, hộ nghèo được thông tin tuyên truyền, biết cách thức triển khai nguồn quỹ và các ưu tiên thụ hưởng khi tham gia vay nguồn vốn này. Nhiều hộ còn được hỗ trợ cây giống, tham gia lồng ghép tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất chăn nuôi theo quy trình hiện đại, tăng chất lượng chăm sóc đàn gia súc lâu dài.

Tuy nhiên, quá trình đi kiểm tra thực tế ở các mô hình chăn nuôi bò sinh sản vẫn còn những hạn chế. Đó là, hộ dân tham gia dự án giảm nghèo bền vững ban đầu có hướng dẫn, thực hiện trồng cỏ tạo nguồn thức ăn dồi dào, tự làm chuồng trại vững chắc, chăm sóc bò sinh sản khá tốt, nhưng đến hiện tại (sau gần 9 năm thực hiện dự án ban đầu), các hộ này đã bỏ mô hình trồng vườn cỏ tại nhà dẫn đến con vật thiếu thức ăn và trở nên suy dinh dưỡng.

Mặt khác, ở cấp xã, Ban quản lý “Quỹ giúp sức người nghèo” và cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội thường xuyên thay đổi, hoặc luân chuyển vị trí công tác khác, làm ảnh hưởng đến quá trình theo dõi, giám sát, nhắc nhở hộ đã vay vốn thực hiện đúng cam kết về quy trình chăm sóc, phát triển bò sinh sản được đầu tư...

Những vấn đề này, ngành chuyên môn và các địa phương cần sớm phối hợp có biện pháp tháo gỡ, để nguồn vốn phát huy hiệu quả.

Mai Trâm

Nguồn: http://baokontum.com.vn/

Số lượt xem:1423

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


494353 Tổng số người truy cập: 3293 Số người online:
TNC Phát triển: