Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khảo sát, tổng hợp tình hình triển khai ứng dụng lĩnh vực này trên phạm vi cả nước và đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018.
Chỉ số và xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ có 22 cơ quan, tuy nhiên, vì đặc thù thông tin và nhiệm vụ nên không đánh giá đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, kết quả cho thấy, đứng số 1 về ứng dụng CNTT là Bộ Tài chính. Như vậy, Bộ Tài chính hai năm liên tiếp đứng đầu chỉ số và xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Năm nay, Bộ Công thương đã có cú bứt phá ngoạn mục từ vị trí 17 của năm 2017 lên đứng thứ 2 trong năm 2018.
Các Bộ nắm giữ các thứ hạng tiếp theo là: Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Như vậy, năm nay, tiếp tục chứng kiến sự thăng hạng của Bộ Lao động- TBXH vươn lên từ vị trí thứ 8 năm 2017, lên vị trí thứ 6 trong năm 2018.
Đáng chú ý, có một số bộ tụt hạng như: Bộ Khoa học và Công nghệ từ thứ 2 xuống thứ 7; Bộ Tư pháp từ thứ 3 xuống 9; Bộ Nội vụ cũng tụt 13 bậc khi từ thứ 4 xuống vị trí thứ 17.
Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ vẫn lần lượt đứng hai vị trí cuối cùng.
Đối với chỉ số và xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả cho thấy đứng số 1 về ứng dụng là Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ninh lần lượt đứng ở vị trí số 2 và 3.
Tỉnh Cao Bằng xếp cuối cùng ở vị trí 63.
Đáng chú ý, thành phố Hà Nội xếp thứ 11 và TP.HCM xếp thứ 7 trên bảng xếp hạng.
So với năm 2017, Hà Nội đã tăng 1 bậc (từ 12 lên 11), trong khi đó TP.HCM lại giảm 2 bậc (từ 5 xuống số 7).
Báo cáo ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước năm 2018 được xây dựng trên kết quả tổng hợp, kiểm tra, đánh giá của Bộ TT&TT từ báo cáo ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương.
Công tác đánh giá được thực hiện với 6 hạng mục: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; Trang/Cổng thông tin điện tử (Cung cấp, cập nhật thông tin; Các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; Nhân lực cho ứng dụng CNTT.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cách thức đánh giá trong báo cáo này đã được Bộ nghiên cứu rất kỹ từ các phương thức đánh giá về ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là đã nghiên cứu, tiếp cận cách thức đánh giá của báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) do Liên hợp quốc thực hiện với các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên tổ chức mình.
Do đó, báo cáo này có thể coi như Báo cáo Chỉ số Vietnam Government Index để đánh giá mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương trong từng năm.
Vào tháng 9/2017, Bộ LĐ-TB&XH và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về “Hợp tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT, viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2017 - 2020”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, việc ký kết này là dấu mốc quan trọng đối với ngành LĐ-TBXH, “đánh dấu sự chuyển biến căn bản về chất”.
Tại lễ ký kết này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định hiện đại hóa hoạt động quản lý Nhà nước, triển khai xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện, thực thi pháp luật trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại là "xu hướng phù hợp và được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn triển khai toàn diện".
Được biết, kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ năm 2019 sẽ tập trung vào tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành, đặc biệt là xây dựng chính phủ điện tử; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cung cấp các dịch vụ và tăng cường chất lượng dịch vụ cho người dân. Trong đó chú trọng nhiều công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu của cuộc CMCN 4.0...
|
Nguồn: http://www.molisa.gov.vn