Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, được sự ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí A Kang, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì điểm cầu tỉnh. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở; đại diện lãnh đạo các sở ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.
Hội nghị đã nghe thông qua Báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; quán triệt và nghe các địa phương báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ý kiến phát biểu tham luận của các bộ ngành, địa phương.
Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành trong 6 tháng đầu năm. Có thể nói, trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội cơ bản hoàn thành. Song, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những khó khăn, tồn tại như: tình hình dịch COVID-19 trong 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là người lao động trong các khu công nghiệp; hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn; một bộ phận người lao động đăng ký nhận BHXH một lần, tự rời khỏi hệ thống BHXH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc bảo đảm an sinh xã hội; việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra và ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân luồng giáo dục - đào tạo của Chính phủ; đào tạo nghề đã chuyển sang hình thức trực tuyến, song điều kiện cơ sở vật chất của một số trường (nhất là hệ thống công nghệ thông tin), chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng do không bố trí đủ thời gian học thực hành trực tiếp tại cơ sở đào tạo và thực hành, thực tập tay nghề tại các doanh nghiệp, do đó ảnh hưởng đến tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm; các địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch, Chương trình giảm nghèo năm 2021 do Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa được phê duyệt; vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực, bóc lột, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội; còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, trẻ em bị rơi, ngã ở nhà cao tầng; tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.
Với những kết quả đạt được cùng những khó khăn, thách thức nêu trên, Bộ trưởng đã quán triệt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới như sau:
1. Khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương để tham mưu cho Tỉnh/Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố triển khai 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Các đơn vị thuộc Bộ phải theo dõi sát tình hình, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên; kịp thời xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
2. Có các giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đời sống người lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo thường xuyên, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người hiện không có việc làm, không tham gia học tập, tích cực học tập nâng cao trình độ, chuẩn bị hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0 để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động.
Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu, đề xuất và có giải pháp quan tâm đảm bảo sức khỏe người lao động, chăm lo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung; đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất…
3. Tập trung hoàn thành Chương trình công tác năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ; bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
4. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và cho đối tượng yếu thế; đảm bảo từng bước nâng cao đời sống người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, để “Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn”.
5. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đảm bảo tiến độ, chất lượng và khả thi.
Tin và ảnh: Lê Thương
Một số hình ảnh tại Hội nghị