banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Hội thảo phát triển nghề công tác xã hội: Nhiều kiến nghị và ý kiến tâm huyết
4-8-2014
 

 Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm; bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề và Công tác Xã hội Việt Nam; TS. Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; đại diện một số Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố, các đơn vị trong Bộ; các Sở LĐTBXH, các cơ sở đào tạo và dạy nghề; đại diện các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế đã và đang hỗ trợ cho Đề án phát triển nghề công tác xã hội; lãnh đạo các trung tâm CTXH trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: Để bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến, việc phát triển nghề công tác xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Với nghề công tác xã hội chuyên nghiệp, Việt Nam có thể giải quyết hiệu quả vấn đề nghèo đói, các vấn đề xã hội, công bằng và bất bình đẳng xã hội và những vấn đề xã hội ngày càng phức tạp khác. Chính vì vậy, Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển công tác xã hội ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo và dạy nghề trong cả nước xây dựng, thúc đẩy, phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay Đề án đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện. Hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án. Công tác đào tạo cán bộ xã hội bán chuyên nghiệp cũng được đẩy mạnh; mạng lưới trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội từng bước được thiết lập, vận hành hiệu quả. Các trường đại học, cao đẳng tổ chức đào tạo công tác xã hội trình độ thạc sỹ, cử nhân, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội được tăng cường.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Đề án cũng đã bộc lộ nhiều điểm tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cụ thể:
1. Khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật phát triển nghề công tác xã hội chưa được hệ thống hóa. Đây là các quá trình rất phức tạp, cần nhiều thời gian và liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau.
2. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; tính xã hội chưa cao; chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, chưa dựa vào cộng đồng.
3. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng và chưa chuyên nghiệp; thiếu đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội tại cộng đồng.
4. Công tác đào tạo công tác xã hội tại các trường đại học, cao đẳng mới chỉ chú trọng đến số lượng; chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở/đơn vị sử dụng nguồn nhân lực công tác xã hội được đào tạo.
5. Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề công tác xã hội của nhiều cấp, ngành, địa phương còn hạn chế. Số lượng người dân có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội còn ít.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo có những đánh giá khách quan, thẳng thắn, đồng thời nêu ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp để cùng chung sức để phát triển công tác xã hội ngày càng tốt hơn.

TS. Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo chuyên đề

Tiếp đó, Hội thảo đã chia thành 4 nhóm để thảo luận các chuyên đề, gồm: 1. Khung pháp lý phát triển nghề công tác xã hội, do ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội chủ trì; 2. Phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội do TS. Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em và ông Thái Phúc Thành, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội chủ trì; 3. Phát triển hệ thống dịch vụ công tác xã hội do ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội và bà Lê Hồng Loan, Trưởng Phòng Bảo vệ Trẻ em, UNICEF Việt Nam chủ trì; 4. Nâng cao nhận thức xã hội và công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp người khuyết tật do ông Bùi Văn Trạch, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội và ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội chủ trì.
Các phát biểu và ý kiến tham luận tại các cuộc hội thảo chuyên đề đã tập trung thảo luận và làm rõ về kết quả triển khai Đề án trong thời gian qua, trong đó nổi bật là đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý cơ bản; bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ cộng tác viên và nhân viên công tác xã hội. Việc đào tạo nghề công tác xã hội cũng đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; công tác truyền thông có nhiều chuyển biến tích cực, có sự vào cuộc và cam kết mạnh mẽ của các lãnh đạo, góp phần làm chuyển biến nhận thức về nghề CTXH.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội trình bày về quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội

Các đại biểu cũng thẳng thẳn chỉ ra những bất cập, thách thức trong việc triển khai Đề án thời gian qua: Các văn bản pháp luật còn thiếu các quy định rõ ràng và cụ thể, tính ràng buộc chưa cao và chưa đủ tầm, hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn yếu, việc xây dựng trung tâm CTXH ở địa phương gặp khó khăn khi chỉ có ngành LĐTBXH thực sự vào cuộc; sự tham gia của địa phương vào xây dựng chính sách còn hạn chế dẫn đến sự phù hợp, khả thi và tính hiệu lực của văn bản chưa cao. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng về CTXH còn ít, sự hiểu biết của các cấp lãnh đạo còn hạn chế, nhận thức về nghề CTXH vẫn chưa đầy đủ.
Từ thực tế nêu trên, các đại biểu cũng đưa ra nhiều khuyến nghị để thúc đẩy phát triển nghề công tác xã hội trong thời gian tới. Về xây dựng pháp luật, cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ, phương án cao là cần xây dựng Luật về nghề CTXH, trước mắt cần tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định về nghề CTXH; đồng thời tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản không còn phù hợp, lồng ghép các mô hình thực tế vào các văn bản pháp quy để đảm bảo tính nhân rộng. Việc xây dựng các mô hình điểm cần cụ thể, rõ sự chuyên biệt, đặc thù, mang tính thu hút..., có từng mô hình cho từng ngành (y tế, giáo dục, tư pháp), theo từng cấp (xã, huyện, tỉnh); thí điểm và triển khai theo từng giai đoạn: giai đoạn đầu nên có sự lựa chọn trong việc triển khai mô hình ở đâu, cấp nào để có tính hiệu quả; trong việc triển khai các dự án, mô hình về CTXH cần cân nhắc nghiên cứu và áp dụng các yếu tố văn hóa/truyền thống để đảm bảo tính bền vững và cần đưa vào trong văn bản pháp quy. Bên cạnh đó, cần tăng cường điều phối liên ngành và chia sẻ thông tin; có sự phối hợp tốt hơn giữa các ngành: LĐTBXH, Y tế, Nội vụ, Giáo dục, Tư pháp..., đồng thời có sự phối hợp giữa Nhà nước và các tổ chức NGO để đẩy mạnh triển khai các mô hình. Về đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên công tác xã hội cần có chiến lược và kế hoạch nâng cao kiến thức và kỹ năng CTXH cho cán bộ các ngành liên quan, nhất là các kỹ năng về CTXH trong các ngành: y tế, giáo dục, công an, tư pháp; chú ý đến nâng cao năng lực cho cán bộ các ngành trong vận động chính sách và vận động nguồn lực; đồng thời đánh giá hiệu quả các chương trình đào tạo đảm bảo các kỹ năng cụ thể, tăng cường đào tạo thực hành về kỹ năng CTXH để học viên thực sự nâng cao được kỹ năng sau khi học. Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và truyền thông trong việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Nguồn: http://www.molisa.gov.vn/

Số lượt xem:1339

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


494358 Tổng số người truy cập: 3305 Số người online:
TNC Phát triển: