Năm 2017 ngành đã triển khai nhiệm vụ và đạt được một số kết quả quan trọng sau:
Tổ chức thành công Lễ phát động hưởng ứng tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ 01/2017; Ngày việc làm lần thứ VI/2017; Tạo việc làm thông qua chương trình việc làm 1.890/1.600 lao động, đạt 118% kế hoạch năm (Trong đó, thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm 1.030 lao động, cung ứng 590 lao động, xuất khẩu lao động: 270 người).
Tham mưu Đề án sáp nhập thành lập Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum (trên cơ sở sáp nhập 04 Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp y tế và Trung cấp nghề Kon Tum). Đã tổ chức đào tạo cho 243 sinh viên hệ Cao đẳng nghề; Đào tạo cho 949 học sinh hệ Trung cấp nghề; Đào tạo sơ cấp và dưới 03 tháng với các ngành nghề như: công nhân kỹ thuật vận tải, lái xe các hạng từ A4, B2, C, D, E là 2.170 người; Đào tạo các ngành nghề khác: 36 người. Đào tạo cho 2.321/2.981 lao động nông thôn, đạt 77,85% kế hoạch năm (trong đó: nghề nông nghiệp: 1.973; phi nông nghiệp: 348).
Tổng số hộ nghèo cuối năm 2017 là 26.164 hộ, chiếm tỷ lệ 20,30%, so với số hộ dân toàn tỉnh; số hộ thoát nghèo trong năm 2017 là 5.099 hộ, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,05%, đạt kế hoạch đề ra. Tổ chức chi trả trợ cấp thường xuyên cho 11.097 đối tượng, trong đó 10.176 đối tượng bảo trợ xã hội và 921 người nhận chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng, bảo đảm 100% đối tượng đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh 164 đối tượng; Thực hiện quản lý Nhà nước 02 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Vinh Sơn I, II với 342 đối tượng; Phối hợp Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh Đắk Lắk chăm sóc và điều trị cho 17 người tâm thần của tỉnh (trong đó năm 2017 tiếp nhận mới 09 đối tượng). Phối hợp với Cục dự trữ nhà nước khu vực Bắc Tây nguyên, Ủy ban nhân dân các huyện thành phố hoàn thành công tác cấp 577,125 tấn gạo hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 cho 9.742 hộ/38.475 khẩu; cấp 484,26 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ thời kỳ giáp hạt năm 2017 trên địa bàn tỉnh cho 8.367 hộ/32.284 khẩu. Triển khai chúc thọ, mừng thọ cho 22 cụ tròn 100 tuổi và 170 cụ tròn 90 tuổi trên địa bàn tỉnh dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Hỗ trợ 62 người khuyết tật được khám sàng lọc, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp và tập phục hồi chức năng. Tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam; Tổ chức Ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật: qua đó có 21 người khuyết tật được nhận vào học nghề, tạo việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Năm 2017 đã thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 5.955 người có công và trợ cấp một lần cho khoảng 1.000 người. Tổ chức thăm và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên Đán, ngày TBLS (27/7/2017) là 20.512 suất quà với tổng kinh phí là 4,791tỷ đồng. Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận TQVN các cấp vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp được hơn 1,120 tỷ đồng. Tham mưu trích ngân sách địa phương để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 408 căn nhà, kinh phí hỗ trợ là 13.440 tr.đồng (trong đó xây mới: 264 nhà, kinh phí là 10.560 tr.đ; sửa chữa: 144 nhà, kinh phí là 2.880 tr.đ). Giải quyết chế độ điều dưỡng cho 2.496 đối tượng (Điều dưỡng tại nhà 2.002 người, điều dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh 226 người, điều dưỡng tại Đà Lạt và Quảng Nam: 268 người). Sửa chữa, nâng cấp 14 nhà bia ghi tên tưởng niệm liệt sĩ. Sở đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu tổ chức Lễ truy điệu và an táng 22 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào và Căm Pu Chia tại Nghĩa trang liệt sĩ.
Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp tục duy trì: giảm 0,5% tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn so với năm 2016; có 5.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và khó khăn được kết nối dịch vụ; có 49 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; duy trì 41 xã hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Thực hiện đầy đủ chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 và diễn đàn trẻ em các cấp. Có 30.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Quỹ BTTE cấp tỉnh, huyện, xã can thiệp, trợ giúp. Vận động xây dựng Quỹ BTTE cấp tỉnh được 80,9 triệu đồng. Duy trì thực hiện công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong các lĩnh vực: đảm bảo tỷ lệ lao động được tạo việc làm mới cho mỗi giới đạt 44,5%; 42,5% tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật; đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo; tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Tổ chức thành công Lễ phát động điểm Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017.
Công tác phòng chống mại dâm, ma túy tiếp tục được tăng cường. Triển khai làm tốt công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, đến nay có 86 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, thành lập 13 tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Thực hiện tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đúng qui định (trong năm 2017 đã tiếp 34 lượt công dân hỏi về chế độ, chính sách lao động, người có công và xã hội; đã tiếp nhận và xử lý 25 đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, trong đó: 05 đơn tố cáo, 19 đơn khiếu nại, 01 đơn kiến nghị, 100% đơn thư các loại đều được phân loại giải quyết theo qui định, không có đơn thư khiếu nại kéo dài, tồn đọng). Đã tiến hành 03 cuộc thanh tra tại Phòng Lao động – TB&XH huyện TuMơRông, Đăk Hà và Kon Plông về thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác bảo trợ xã hội và quản lý sử dụng các loại quỹ. Qua thanh tra, thu hồi tiền chi sai chế độ chính sách đề nghị nộp vào ngân sách nhà nước năm 2017 và thu hồi chi sai chế độ năm 2014-2015 chuyển sang năm 2017 với số tiền là 53.624.268 đồng. Tiến hành 01 cuộc thanh tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm GDNN-GDTX Đăk Tô. Phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 60 doanh nghiệp; Tổ chức điều tra 08 vụ tai nạn lao động (07 vụ tai nạn làm chết người; 01 vụ lao động làm bị thương 05 người).
Thực hiện báo cáo đầy đủ và kịp thời theo chỉ đạo của cấp trên; thực hiện đúng quy định các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan. Phân bổ dự toán ngân sách và tổ chức triển khai thực hiện đúng tiến độ và qui định hiện hành.
Có được những kết quả nổi bật trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Lao động – TBXH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian đến, đó là: việc cấp kinh phí đào tạo nghề chưa tương ứng với chỉ tiêu đề ra; Hệ thống chính sách dành cho người nghèo do nhiều chương trình, chính sách, dự án thực hiện với nhiều cơ chế khác nhau, gây nên sự trùng lắp, chồng chéo, khó khăn trong triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá. Công tác cung ứng lao động cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng lao động chỉ dừng lại trong tỉnh. Chưa đáp ứng được lực lượng lao động có chuyên môn tay nghề cao để đáp ứng thị trường lao động. Một số đơn vị, công ty tự ý tuyển dụng lao động tham gia XKLĐ tại các địa phương khi chưa có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước gây tâm lý hoang mang cho người lao động, làm ảnh hưởng đến công tác XKLĐ của tỉnh. Người lao động đã nhận thức và tham gia BHXH cao hơn năm 2016, nhưng tình trạng nợ đọng BHXH lại cao và chưa có các biện pháp chế tài nghiêm minh để xử lý. Công tác quản lý, chăm sóc các công trình tưởng niệm liệt sĩ ở cấp xã chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; một số Nghĩa trang liệt sĩ ở cấp huyện chưa được phân bổ kinh phí (địa phương) để hợp đồng nhân viên quản trang. Việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo ở các cấp, các ngành liên quan còn chưa nghiêm túc, chất lượng báo cáo chưa đạt, chưa thể hiện đầy đủ, cụ thể kết quả các mặt công tác đã đạt được, hầu hết các báo cáo của các đơn vị, địa phương không có số liệu so sánh.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên; trong năm 2018 ngành Lao động-TB&XH đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp sau:
Chỉ tiêu: Tạo việc làm mới thông qua chương trình việc làm cho 1.600 lao động; đào tạo nghề cho 2.800 lao động nông thôn; chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH: 183 người (Trong đó: Chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi (tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội): 163 người; Chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần (tại Trung tâm Đăk Lăk): 20 người. Trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng: 12.150 người; Có 50 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; giảm 0,5% tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn so với năm 2017; tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả 41 xã hệ thống BVTE và các mô hình, dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh, thành phố hoạt động đạt hiệu quả; 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện thì có trên 90% được hỗ trợ và can thiệp kịp thời.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, năm 2018 ngành đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo thực hiện pháp luật về lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh; các cơ chế chính sách đặc thù; các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, dự án, đề án...; xây dựng các mô hình, cách làm phù hợp của địa phương để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các lĩnh vực công tác của Ngành.
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về các lĩnh vực công tác của Ngành. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở và các Phòng Lao động-TB&XH huyện, thành phố cụ thể hóa các nhiệm vụ công tác của Ngành năm 2018 bằng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để chủ động triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chính sách bảo trợ xã hội và các lĩnh vực công tác khác của Ngành. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung của Ngành.
Kiểm tra, đôn đốc các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở và các Phòng Lao động-TB&XH huyện, thành phố thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng theo chương tình của UBND tỉnh và Bộ Lao động-TB&XH. Xây dựng và tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng; tập trung thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực nhạy cảm như: các dự án đầu tư, viện trợ, chi tiêu ngân sách, sử dụng tài sản công, thực hiện hiện chính sách người có công, giảm nghèo và chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp.
Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; duy trì thực hiện có hiệu quả phần mềm văn phòng điện tử eOffice và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở và các đơn vị trực thuộc Sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động. Phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ trong từng cơ quan, đơn vị và toàn ngành. Thiết thực lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh trong năm./.
Bài viết: KT