banner
Thứ 7, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Luật pháp quốc tế về quyền tham gia của trẻ em
22-5-2013

 

Hiểu đúng về "Sự tham gia của trẻ em"
Được thừa nhận như một hiện tượng đa diện, sự tham gia của trẻ có thể bao gồm một loạt những hoạt động khác nhau về hình thức và phong thái khi trẻ em ở các độ tuổi khác nhau như: tìm kiếm thông tin, bày tỏ nguyện vọng học tập, hình thành quan điểm, bày tỏ ý tưởng tham gia vào các hoạt động và các quá trình; được thông tin và được tham khảo ý kiến trước khi ra quyết định, khởi xướng các ý tưởng, quá trình, các đề xuất và dự án; Phân tích tình hình và đưa ra những lựa chọn...
Mục tiêu "Vì trẻ em và thanh thiếu niên" không chỉ đơn giản là tăng số lượng tham gia của các em mà là tối ưu hoá các cơ hội của các em để sự tham gia đó có ý nghĩa. Những kỹ năng tham gia phải được học và thực hành trên cơ sở cân nhắc những nguy cơ trước mắt và lâu dài của xã hội. Và khi có những  kỹ năng này, các em sẽ biết cách thể hiện bản thân, thương lượng những sai lệch, tham gia đối thoại một cách tích cực và biết chịu trách nhiệm với chính mình, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Điều quan trọng nhất là sự tham gia của trẻ em là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả những người mà hành động của họ được Công ước Quốc tế về quyền trẻ em ( CRC) quy định. Sự tham gia theo tinh thần của Công ước phải bao hàm việc khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ em đưa ra quan điểm của mình về những vấn đề ảnh hưởng đến các em.
Lắng nghe ý kiến của trẻ em không đơn giản chỉ là chấp nhận quan điểm của các em, mà phải giúp các em tham gia vào đối thoại và trao đổi, tạo điều kiện cho các em học cách gây ảnh hưởng đến thế giới xung quanh một cách tích cực.
Sự tham gia thiết thực
Điều thường gặp là sự tham gia của trẻ em, ngay cả khi được người lớn trọng thị tổ chức, rút cục lại không được tham gia gì cả, nếu như các em bị điều khiển, bị sử dụng để làm vật trang trí hoặc làm bằng chứng. Vô hình chung,  sự tham gia của trẻ em có thể bị biến thành “trọng tâm của người lớn” hoặc bị áp đặt thành những trẻ em không tự nguyện, hoặc được xây dựng không phù hợp với lứa tuổi và năng lực của một đứa trẻ... Và biểu hiện tồi tệ nhất là sự tham gia của trẻ em có thể mang tính trấn áp , bóc lột và lạm dụng. Sự tham gia thực sự của trẻ em phải bắt đầu từ chính các em trong hoàn cảnh thực tế để các em có thể theo đuổi ước mơ và những mối quan tâm của chính của mình.
Một trẻ em có tham gia một cách có hiệu quả vào thế giới hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như năng lực của em đó, sự cởi mở của cha mẹ và những người lớn khác trong đối thoại xã hội với các em, những không gian an toàn trong gia đình, cộng đồng và xã hội....Trong đó, quan trọng hơn cả là sự thay đổi căn bản trong cách suy nghĩ và thái độ của người lớn - từ cách tiếp cận loại trừ sang tiếp cận bao hàm trẻ em và năng lực của các em; từ một thế giới chỉ do người lớn xác định sang một thế giới trong đó trẻ em đóng góp quan trọng vào việc xây dựng ra một thế giới nơi các em muốn sống.
Quyền tham gia của trẻ em theo Công ước Quốc tế
Công ước Quốc tế về quyền trẻ em không nói rõ quyền tham gia của trẻ em, trừ việc coi đó là một mục tiêu đối với trẻ bị tàn tật (điều 23). Tuy nhiên, có một loạt vấn đề về sự tham gia khi phân tích chúng cùng nhau sẽ giúp chúng ta sự lập luận về quyền tham gia của trẻ em.Những điều có liên quan đến sự tham gia của trẻ em trong CRC được thể hiện ở một số điều sau đây:
Điều 3: Trong tất cả những hành động liên quan đến trẻ em, dù cho các cơ quan phúc lợi xã hội công cộng hay tư nhân, toà án, các nhà chức trách hành chính hay các cơ quan lập pháp tiến hành thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu.
Điều 5: Các quốc gia thành viên phải tôn trọng những trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của cha mẹ, hoặc ở những nơi có thể được, của các thành viên của gia đình mở rộng hay cộng đồng theo phong tục của địa phương quy định, của những người giám hộ pháp lý hay những người khác chịu trách nhiệm về pháp lý đối với trẻ em, trong việc chỉ bảo và hướng dẫn phù hợp với các năng lực của trẻ để trẻ em thực hiện các quyền được nhận thức trong Công ước này.
Điều 9 (2): Trong mọi hoạt động tố tụng  theo như khoản 1 (nói về sự chia tách giữa đứa trẻ và cha mẹ) của điều khoản này, tất cả các bên liên quan phải được có cơ hội tham gia vào quá trình tố tụng và được trình bày quan điểm của mình.
Điều 12 (1): Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hoàn thành quan điểm riêng của mình, có quyền được nói lên những quan điểm đó về tất cả mọi vấn đề có ảnh hưởng đến mình và các quan điểm của trẻ em phải được cân nhắc tuỳ theo lứa tuổi và độ trưởng thành của đứa trẻ.
(2): Vì mục đích này, trẻ em phải được đặc biệt tạo cơ hội để trình bày quan điểm của mình trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào ảnh hưởng đến trẻ, hoặc là trực tiếp, hoặc thông qua một người đại diện hay một tổ chức phù hợp, theo đúng các quy định của pháp luật quốc gia.
Điều 13 (1): Trẻ em phải có quyền tự do bày tỏ quan điểm: quyền này phải bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và tư tưởng thuộc tất cả các loại, không hạn chế về mặt lãnh thổ, hoặc qua truyền miệng, hoặc bằng văn bản viết tay hoặc văn bản in, dưới hình thức nghệ thuật, hay thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác mà trẻ em lựa chọn.
Điều 14 (1). Các quốc gia thành viên phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của trẻ.
(2): Các quốc gia thành viên phải tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và, ở nơi thích hợp, của người giám hộ pháp lý trong việc chỉ dẫn cho trẻ em thực hiện quyền của các em theo đúng các khả năng phát triển của mình.
Điều 15 (1): Các quốc gia thành viên phải công nhận quyền tự do kết giao và tự do hội họp hoà bình.
Điều 16 (1): Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín của các em cũng như những sự công kích bất hợp pháp và danh dự,  thanh danh của các em.
(2): Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc công kích này.
Điều 17: Các quốc gia thành viên công nhận chức năng quan trọng của các phương tiện thông tin đại chúng và phải bảo đảm rằng trẻ em được tiếp cận  các thông tin và tư liệu từ nhiều nguồn quốc gia và quốc tế khác nhau, đặc biệt là những thông tin tư liệu nhằm cổ vũ cho lợi ích xã hội, tinh thần và đạo đức cũng như sức khoẻ về thể chất cũng như về tinh thần
Điều 21: Các quốc gia thành viên đã thừa nhận và hoặc cho phép chế độ nhận con nuôi phải bảo đảm rằng những lợi ích tốt nhất của trẻ phải được quan tâm  và các Quốc gia phải đảm bảo rằng việc nhận một đứa trẻ làm con nuôi chỉ được tiến hành khi được phép của các nhà chức trách có thẩm quyền theo đúng pháp luật, thủ tục và trên cơ sở tất cả thông tin liên quan đáng tin cậy, rằng xét tình trạng của trẻ em về cha, mẹ, họ hàng, người giám hộ pháp lý thì có thể được phép nhận trẻ em  làm con nuôi và nếu được yêu cầu, những người có liên quan cho biết họ đã được thông tin và đồng ý việc nhận làm con nuôi đó trên cơ sở đã tham khảo ý kiến cần thiết.
Điều 22 (1): Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp thích hợp để bảo đảm rằng trẻ em xin quy chế tị nạn hoặc được coi như người tị nạn theo luật pháp và thủ tục quốc gia hay quốc tế có thể áp dụng, dù có hay không có cha, mẹ, hay bất cứ một người nào khác đi cùng, sẽ nhận được sự bảo vệ và giúp đỡ nhân đạo thích đáng trong việc hưởng các quyền thích hợp như đã nêu trong Công ước này và trong những văn kiện quốc tế khác về quyền con người, hay về nhân đạo mà những quốc gia được nói đến là thành viên.
Điều 23 (1): Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng trẻ em khuyết tật về tinh thần hay thể chất cần được hưởng một cuộc sống trọn vẹn và đầy đủ trong những điều kiện được bảo đảm phẩm giá, thúc đẩy khả năng tự lực và tạo điều kiện tham gia tích cực vào cộng đồng.
Điều 29 (1): Các Quốc gia thành viên nhất trí rằng việc giáo dục trẻ em phải được hướng tới :
(a)    Phát triển tối đa nhân cách, tài năng, khả năng về trí tuệ  và thể chất của các em.
(b)    Phát triển sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản , tôn trọng những nguyên tắc được ghi trong Hiến Chương Liên Hợp quốc .
(c)    Phát triển sự tôn trọng của trẻ em đối với cha mẹ, tôn trọng bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, và các giá trị của chính bản thân trẻ em, tôn trọng những nền văn minh khác với nền văn minh của chính bản thân trẻ em đó;
(d)    Chuẩn bị cho trẻ em sống một cuộc sống có trách nhiệm trong xã hội tự do, theo tinh thần hiểu biết, hoà bình, khoan dung, bình đẳng nam nữ và hữu nghị giữa các dân tộc, các nhóm chủng tộc, tôn giáo và người bản địa.
(e)    Phát triển sự tôn trọng môi trường thiên nhiên.
Điều 42: Các quốc gia thành viên phải cam kết phổ biế rộng rãi những nguyên tắc và điều khoản của Công ước này tới người lớn cũng như trẻ em bằng các phương tiện thích hợp và tích cực./.
Theo Tạp chí LĐXH
Số lượt xem:2243

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


493711 Tổng số người truy cập: 3626 Số người online:
TNC Phát triển: