banner
Thứ 3, ngày 7 tháng 1 năm 2025
Thực trạng phụ nữ tham chính và giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính.
22-10-2012


Sinh thời Bác Hồ đã dạy "Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội, nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng xã hội chỉ có một nửa".

 

          Vì vậy, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là nhiệm vụ có tính chiến lược trong công tác cán bộ. Quan điểm này đã được thể hiện trong Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Ðảng" .         

 

          Trong những năm qua, các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về vấn đề phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng đã tạo nên một hành lang pháp lý cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Bằng những chỉ đạo cụ thể, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ nữ, chất lượng và số lượng của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị được tăng lên. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, dân chủ trong lãnh đạo và quản lý, có khả năng thuyết phục, liêm khiết, tiết kiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong đời sống, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
           Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một số địa phương, ngành, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch và được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ ở nhiều nơi vẫn còn thiếu toàn diện, chưa thực sự khách quan; tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo trong hệ thống chính trị còn ít và thấp, thiếu tính ổn định và bền vững. Đặc biệt là tỷ lệ nữ Đại biểu quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chưa đảm bảo chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ (

 

[1]).

          Theo thống kê phụ nữ chiếm 50,5% dân số và trên 47% lực lượng lao động xã hội nhưng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII có 24,40% (giảm 1, 36% so với khóa XII); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2004-2011 tính trung bình cả nước, cấp tỉnh có 25,17%, cấp huyện có 24,62% và cấp xã 21,71%. (

 

[2])

          Riêng tỉnh Kon Tum, số phụ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh đạt: 14,54%, đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy đạt 16,18% và Đảng bộ xã, phường, thị trấn đạt 21,56%;  Tỷ lệ lãnh nữ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh Tỉnh đạt 18,75%, cấp huyện, thành phố đạt 16% và cấp xã đạt 11,83%; nữ lãnh đạo Tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc Hội khoá XIII đạt 33,33%; Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đạt 34% (cấp tỉnh), 30,82% (cấp huyện) và 27,63% (cấp xã), đặc biệt là huyện Đăk Glei tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã chỉ đạt 20,4%)(

 

[3]).

 

          Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa vượt qua được những rào cản xung quanh vấn đề giới và bình đẳng giới. Cụ thể là:

 

          Thứ nhất, nhận thức các cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế. Nhiều cấp ủy, chính quyền thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác vận động phụ nữ, chưa chủ động nghiên cứu, dự báo và giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới phụ nữ; Việc đánh giá cán bộ nữ ở một số địa phương chưa khách quan, chưa khoa học, vẫn còn tư tưởng định kiến, hẹp hòi, thiếu sự tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ. Bởi vậy, còn thiếu nhất quán giữa lời nói và việc làm trong công tác cán bộ nữ. Trong khi xuất phát điểm như nhau, người phụ nữ còn phải làm thêm thiên chức người mẹ, người vợ,..

 

          Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa có chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Cho nên, khi cần đến cơ cấu nữ mới “đốt đuốc” đi tìm, lúc này người trẻ thì chưa qua đào tạo, chưa đủ tiêu chuẩn, không trong cơ cấu; người đã qua đào tạo cơ bản, đủ điều kiện, tiêu biểu thì không còn trong độ tuổi;

 

          Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp mới chỉ hoạt động một cách hình thức, chưa phát huy hết vai trò, chức năng tham mưu các cấp ủy, chính quyền trong việc nâng cao vị thế của người phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị;

 

          Thứ hai, "Định kiến về giới còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo và tập tục phong kiến lạc hậu từ lâu đời" (trích Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị). Nhận định này rất đúng bởi trong thực tế vẫn còn tồn tại quan niệm lãnh đạo là công việc không thích hợp với phụ nữ, vẫn còn tư tưởng coi thường khả năng của phụ nữ, nhất là coi thường khả năng lãnh đạo và quản lý của chị em, ít chú trọng sử dụng, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ một cách chủ động và có kế hoạch. Bên cạnh đó, có tư tưởng không muốn làm việc dưới sự lãnh đạo của cán bộ nữ, chỉ phục tùng nam, không phục tùng nữ, trong cán bộ, nhất là trong nam giới. Tư tưởng phong kiến, gia trưởng, coi thường phụ nữ trong một số đảng viên, trong một bộ phận xã hội và gia đình còn khá nặng.

 

          Thứ ba, Trở ngại từ phụ nữ và vai trò giới. Thực trạng khá phổ biến ở một bộ phận phụ nữ là an phận, tự ty, ngại va chạm, ngại thay đổi môi trường công tác, không có chí hướng phấn đấu vươn lên, một số có tư tưởng hẹp hòi, níu kéo lẫn nhau, chưa tôn vinh và tạo điều kiện cho nhau. Đây là một trong những nguyên nhân gây trở ngại không nhỏ đối với công tác cán bộ nữ trong hệ thống chính trị nói chung và ở cấp cơ sở nói riêng.

 

          Bản thân một số cán bộ nữ còn hạn chế trong các năng lực đề xuất, tham mưu, hoạch định các chủ trương đường lối phát triển kinh tế - xã hội, tính quyết đóan không cao, trong xử lý công việc thiên về duy tình hơn duy lý. Điều này khiến cho lãnh đạo các cấp có phần e ngại khi giao nhiệm vụ cho cán bộ nữ.

 

          Kiến thức văn hoá, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ nữ, nhất là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề đào tạo, sử dụng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng công tác cho cán bộ nữ, cải thiện chế độ làm việc vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tham gia công tác xã hội.

 

          Các vai trò giới cũng là một trở ngại đối với phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Nếu như với nam giới, khi tham gia hoạt động xã hội, là cán bộ quản lý, lãnh đạo thì được sự ủng hộ và tạo điều kiện của vợ và các thành viên khác trong gia đình, mặc khác nam giới ít hoặc không phải lo công việc nội trợ. Đối với nữ giới thì ngược lại, khi tham gia công tác xã hội với vai trò cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp nào thì họ vẫn phải làm tốt các vai trò "người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người", nếu không được sự ủng hộ của chồng, con thì trở ngại càng tăng thêm đối với phụ nữ.

 

          Ngoài ra, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chưa cao còn phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri. Một bộ phận cử tri chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải có tỷ lệ thích đáng phụ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cho nên không bỏ phiếu cho phụ nữ. Ngay cả nữ cử tri, cũng chưa nhận thấy vai trò của nữ đại biểu sẽ đại diện cho phái mình, vì vậy, cũng chưa ủng hộ cho ứng cử viên nữ. 

 

           Để thực hiện tốt hơn công tác cán bộ nữ, nhất là thực hiện quy định của Luật Bình đẳng giới về "Bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp", đồng thời “Phấn đấu đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%" mà Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị đã đề ra, cần thực hiện một cách tích cực, đồng bộ một số nội dung sau:

 

           Cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, quan điểm về công tác cán bộ nữ trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân, nhận thức được tầm quan trọng của bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ nữ;

 

          Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn và sử dụng cán bộ nữ, trong đó cần chú trọng thực hiện tốt từ khâu tuyển dụng, lựa chọn cán bộ, thực hiện quy trình công khai thi tuyển công chức. Ngoài các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện chung, cần chú ý đặc điểm giới, sắp xếp bố trí công việc phù hợp, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để chị em có điều kiện thể hiện năng lực, sở trường của mình, phấn đấu, rèn luyện và khẳng định mình nhiều hơn;

 

          Các cấp các ngành từ tỉnh đến cơ sở cũng cần có kế hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quan tâm công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ vào các cương vị lãnh đạo, quản lý. Các cấp ủy đảng cần quán triệt và thực hiện tốt nội dung Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh về công tác nhân sự đại hội đảng các cấp; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

          Tăng cường các biện pháp chỉ đạo quyết liệt để số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, tham gia lãnh đạo quản lý đạt tỷ lệ cao hơn hiện nay. Tiếp tục quan tâm xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt chức năng trong gia đình và tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp năng lực trí tuệ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

 

          Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Xây dựng kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ theo từng giai đoạn và thường xuyên điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ... cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá -xã hội để tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý; 

 

           Bác Hồ đã dạy: "Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ". Do vậy, bản thân cán bộ nữ cần chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, nâng cao phẩm chất và trình độ mọi mặt, tự khẳng định mình trong công tác, biết kết hợp hài hòa giữa công việc gia đình và công tác xã hội./

 
 

                         Mỹ Diễm



([1]) Được phê duyệt theo Quyết định số 2351/QĐ – TTg, ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

([2]) Nguồn: Báo cáo số 453/BC-HĐBC ngày 18-7-2011 của Hội đồng Bầu cử tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

([3]) Nguồn: Báo cáo số 89 - BC/TU ngày 27 - 10 - 2011 của Tỉnh ủy Kon Tum.

 

Số lượt xem:5746

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Lồng ghép giới (22-10-2012)
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


566847 Tổng số người truy cập: 2698 Số người online:
TNC Phát triển: