banner
Chủ nhật, ngày 19 tháng 1 năm 2025
Công tác xuất khẩu lao động của tỉnh nhìn từ góc độ quản lý
13-12-2019

Qua thực tế, những người đi lao động ở nước ngoài thu nhập bình quân khoảng 15-20 triệu đồng/người/tháng (tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc), thu nhập bình quân khoảng 10-12 triệu đồng/người/tháng (tại các thị trường Đài Loan, Ả rập xê út, Trung Đông, Malaysia...). Sau khi hết hạn hợp đồng về nước các lao động đã trả được nợ vay tại ngân hàng và mua trang thiết bị máy móc, vật tư, tư liệu phục vụ cho việc phát triển sản xuất góp phần tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo. Kết quả từ năm 2015 đến nay đã có 875 lao động xuất cảnh tham gia XKLĐ, số lao động này tập trung tại các thị trường: Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Ả rập xê út... Cùng với đó XKLĐ còn góp phần nâng cao trình độ tay nghề, tác phong làm việc công nghiệp, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước, hòa nhập trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt các nước có trình độ cao về phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc còn là nước công nghệ nguồn, là khu vực có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại lao động. Vì vậy, XKLĐ sang khu vực này còn có mục đích tiếp thu các kiến thức khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh hiện đại từ các nước trong khu vực này. Thời gian trở lại đây, lao động của tỉnh đã chủ động và mạnh dạn hướng đến các thị trường lao động có thu nhập ổn định, thu nhập cao thời hạn hợp đồng từ 3- 5 năm. Đến nay, hoạt động XKLĐ của tỉnh sang hai thị trường này có tác động tích cực đối với người lao động cũng như đối với sự phát triển chung của các ngành, địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, hoạt động XKLĐ của tỉnh sang các thị trường này thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, có những diễn biến phức tạp và phát sinh các tiêu cực, rủi ro ngoài ý muốn. Xảy ra hiện tượng lao động bị phân biệt đối xử về tiền công, về điều kiện làm việc và sinh hoạt, bị lạm dụng, lao động tự ý phá hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp… Đặc biệt, số lượng lao động của tỉnh tự ý phá hợp đồng, bỏ trốn ngày càng tăng, đến mức các nước này đã nhiều lần lên tiếng sẽ đóng cửa thị trường nếu các địa phương có người lao động tham gia không tìm cách ngăn chặn và giải quyết dứt điểm. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu của tỉnh còn nhiều hạn chế. Số lượng lao động xuất khẩu có tay nghề và trình độ cao rất thấp, đa phần là lao động phổ thông, khả năng giao tiếp của lao động kém dẫn đến khó khăn trong việc truyền đạt công việc và đào tạo, ý thức chấp hành kỷ luật chưa cao. Vì vậy, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý để nâng cao chất lượng nguồn lao động đảm bảo đáp ứng nhu cầu lao động trên thị trường lao động quốc tế. Hơn nữa, xét về tầm chiến lược, những vấn đề đó nếu không được giải quyết triệt để sẽ làm mất uy tín của người lao động cũng như các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam nói chung, của tỉnh nói riêng trên thị trường lao động quốc tế, tạo dư luận và tâm lý không tốt trong xã hội đối với hoạt động XKLĐ. Đặt ra không ít khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ như hệ thống chính sách và luật pháp về XKLĐ chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng và theo kịp với những biến động của tình hình thực tế, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được đồng bộ, chặt chẽ, công tác tổ chức thực hiện và quản lý XKLĐ còn bị buông lỏng; thiếu những chiến lược ở tầm quốc gia về XKLĐ, thủ tục cấp phép hoạt động XKLĐ và công tác khai thác, định hướng phát triển thị trường lao động ngoài nước còn nhiều bất cập, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về XKLĐ cần có các công cụ quản lý như: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và phải tuân thủ các yêu cầu, quy tắc mà Việt Nam đã cam kết tham gia vào các tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế, phải kết hợp hài hòa các lợi ích của các đối tượng như nhà nước, tập thể, tổ chức, cá nhân… thì mới đảm bảo sự hoạt động thông suốt và đem lại hiệu quả cao. Lao động của tỉnh hoàn toàn có thể có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các thị trường phát triển, cùng với đó, thị trường của tỉnh cũng sẽ “mở cửa” để đón nhận nguồn lao động chất lượng cao từ các nước phát triển này đến làm việc tại Việt Nam. Vì thế, đòi hỏi mỗi lao động phải nâng cao tay nghề, kỹ năng và tác phong làm việc thật sự chuyên nghiệp. Ưu điểm của nguồn lao động của tỉnh là có nguồn lao động dồi dào, cần cù, thông minh, sáng tạo, có kinh nghiệm sản xuất nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên hạn chế là lực lượng lao động có trình độ còn ít trong tổng lao động, thiếu công nhân lành nghề và lao động có trình độ cao, phân bố lực lượng lao động chưa đều, nhất là lao động có trình độ. Phải có những giải pháp để nâng cao hiệu quả phát triển nguồn lao động. Hoạt động XKLĐ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo và được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về XKLĐ luôn đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ ngày càng tốt hơn và hoạt động đúng quy định của pháp luật.

 Bài viết: Việt Hoàn

Số lượt xem:5905

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


580431 Tổng số người truy cập: 6505 Số người online:
TNC Phát triển: