banner
Thứ 7, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chính sách tại các huyện nghèo
26-1-2015

 Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Lương Xuân Cừ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên.

Về phía Bộ LĐ-TB&XH có Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, các Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, Nguyễn Trọng Đàm cùng đại diện lãnh đạo Cục QLLĐNN, Tổng cục Dạy Nghề, Văn phòng Giảm nghèo Quốc gia và các cục, vụ liên quan.
Về phía tỉnh Lào Cai có Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Văn Hưởng cùng đại diện các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và đại diện 46/64 huyện nghèo, trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động…

(Toàn cảnh hội nghị)
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, trong nhiều năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các nhiệm vụ kế hoạch, các chương trình, đề án, chính sách phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tại các địa phương trong vùng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Để hỗ trợ NLĐ huyện nghèo đi XKLĐ, giảm nghèo nhanh cũng như dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ 2015 phải xem xét chính sách hỗ trợ cả ba lĩnh vực XKLĐ, dạy nghề và giảm nghèo. Đặc biệt chính sách giảm nghèo, dạy nghề còn nhiều khó khăn, bất cập cũng như tìm hiểu kỹ, đánh giá những nguyên nhân thực hiện Quyết định 71 trong thời gian qua còn hạn chế... Công tác tuyên truyền còn tương đối yếu, kể cả tuyên truyền đến NLĐ cũng như chính quyền các cấp còn mờ nhạt, tới đây cần đẩy mạnh, nhất là đầu ra cho XKLĐ, nên NLĐ trước khi đi có ảo tưởng lớn, không quen thì bỏ về, phải tuyên truyền đầy đủ, cụ thể các chính sách, tuyên truyền mô hình tốt, cần nhân rộng...”
Sau hơn 5 năm thực hiện (từ 2009), đã có hơn 26.800 lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia đề án; 18.500 lao động được tuyển chọn để đào tạo và khoảng 9.500 lao động đã được đưa đi làm việc tại Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, UAE, Đài Loan (Trung Quốc)..., trong đó 95% là người lao động dân tộc thiểu số.
Người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng 5-7 triệu đồng/người/tháng, một số thị trường khác có thu nhập cao hơn. Có khoảng 65-70% số hộ có người đi xuất khẩu lao động đã thoát nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đời sống của hộ nghèo ở một số địa phương tuy giảm nhưng vẫn chưa đáng kể, thiếu bền vững, khả năng tái nghèo vẫn còn. Công tác đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là đối với các đối tượng là người dân tộc còn nhiều hạn chế, đặc biệt số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn rất thấp so với tiềm năng của khu vực và các địa phương thuộc vùng khác, nhận thức về vai trò của XKLĐ ở một số địa phương chưa thực sự đầy đủ, nhiều Ban chỉ đạo XKLĐ hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả... Mạng lưới cơ sở dạy nghề có bước phát triển, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, các cơ sở dạy nghề chưa tham gia tích cực trong việc đào tạo nguồn lao động cho thị trường nước ngoài.
Bộ LĐTB&XH cũng thẳng thắn nhìn nhận số lao động của 64 huyện nghèo được xuất khẩu còn quá thấp so với mục tiêu của Quyết định 71/QĐ-TTg  năm 2009  của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 (đưa 50.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài-bình quân mỗi năm đưa được khoảng 10.000 lao động trong đó, khoảng 90% lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số). Theo đó, mỗi xã chỉ có khoảng 22 lao động đăng ký tham gia đề án, mỗi huyện chỉ có 325 người đăng ký. Số lao động thuộc hộ nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài trung bình chỉ đạt 161 lao động/người/năm.

(Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Hội nghị)
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những tồn tại, hạn chế của vùng, tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chính sách về XKLĐ, dạy nghề và giảm nghèo tại các địa phương, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy công tác XKLĐ trong thời gian tới, đào tạo nghề phát triển nguồn nhân lực và thực hiện các chính sách về giảm nghèo trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của khu vực. Đặc biệt, hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi về tình hình  thực hiện Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 71 năm 2009 thì mục tiêu “Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng người lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững”.
Theo đó, kết quả thực hiện chưa đạt so với kế hoạch đặt ra, số lượng lao động thuộc huyện nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài bình quân 161 lao động/huyện, 9 lao động/xã, tức là chỉ đạt 30% chỉ tiêu đề án. Những khó khăn đặt ra từ phía người lao động và doanh nghiệp khi tham gia chương trình này bởi cho đến nay, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số lượng lao động xuất cảnh quá thấp là có tới 33,5% lao động không đủ sức khỏe khi sơ tuyển; tỷ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo lên tới trên 30% và 20% lao động sau đào tạo bỏ không xuất cảnh vì những lý do cá nhân.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tế triển khai Đề án, cụ thể là sửa đổi số nội dung trong Quyết định 71 và các văn bản hướng dẫn. Trước mắt, ưu tiên đơn giản hóa qui trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ cho NLĐ và doanh nghiệp tham gia Đề án. Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là việc tuyên truyền về những điển hình thành công của Đề án để nhân rộng tới các huyện nghèo. Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện..."
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ LĐ-TB&XH với các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tại các địa phương có huyện nghèo. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ LĐTB&XH quan tâm trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục, dạy nghề vừa được Quốc hội thông qua theo hướng tăng hỗ trợ, đầu tư cho bà con tham gia làm việc ở nước ngoài, chú trọng nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với phong tục tập quán cho bà con dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc, đổi mới công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa thiết thực của xuất khẩu lao động với đời sống bà con.

(Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị)
Về chính sách giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng cho rằng các huyện nghèo phải coi giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, bền bỉ liên tục với chính sách, cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với đời sống, phong tục từng địa phương; phải rà soát, lồng ghép các chính sách giảm nghèo hiện nay, nghiên cứu sản xuất hàng hóa, phù hợp với thổ nhưỡng trong vùng để đồng bào thoát nghèo. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chính sách giảm nghèo cần đa chiều, bảo đảm tập trung nguồn lực, thu hút các nguồn lực cộng đồng, ưu tiên các huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chương trình, dự án giảm nghèo cần gắn bó chặt chẽ với dạy nghề, xuất khẩu lao động. Đặc biệt, phải đánh giá kỹ lưỡng chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và đề xuất nhiệm vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tìm hiểu tâm tư bà con và tìm ra những bất cập để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình của từng vùng trong thời gian tới.
Để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới giao Bộ Lao động-TB&XH chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và địa phương sửa đổi và hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tế triển khai Đề án, cụ thể là sửa đổi số nội dung trong Quyết định 71 và các văn bản hướng dẫn. Trước mắt, ưu tiên đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp tham gia Đề án.

Đặc biệt là đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, đổi mới phương pháp, hình thức và nội dung tuyên truyền về chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương về XKLĐ nói chung và công tác XKLĐ theo Quyết định 71 nói riêng cho phù hợp với đặc điểm tình hình, trình độ văn hoá, phong tục tập quán của người dân các huyện nghèo... Bên cạnh đó, lựa chọn và nhân rộng các mô hình tuyển chọn, đào tạo gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp; tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện...

Tin và ảnh: Thế Vũ

Số lượt xem:2862

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


493904 Tổng số người truy cập: 31 Số người online:
TNC Phát triển: