Các nội dung này áp dụng đối với mọi người lao động, bao gồm cả người lao động có việc làm (có hoặc không có quan hệ lao động) và người lao động không có việc làm (chưa có việc làm hoặc mất việc làm), người lao động phổ thông và người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, chính sách hỗ trợ tạo việc làm áp dụng chủ yếu đối với người lao động chưa có việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng chủ yếu đối với người lao động bị mất việc làm. Các quy định về dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được áp dụng chung đối với tất cả người lao động.
Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban về các vấn đề xã hội thống nhất cơ bản về sự cần thiết ban hành Luật việc làm nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng đó là “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn” .
Tuy nhiên Ủy ban này cho rằng dự án Luật cần cụ thể hóa hơn vai trò an sinh xã hội trong chính sách việc làm, là chính sách nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động. Chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với việc làm có năng suất, thu nhập công bằng, có môi trường làm việc an toàn và không bị phân biệt đối xử.
Luật cần xây dựng những chính sách ưu tiên hỗ trợ tạo việc làm đối với nhóm lao động trẻ, nhóm lao động yếu thế, lao động nữ, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do… nhằm tăng cường tính bền vững đối với việc làm ở nhóm đối tượng và các khu vực này vì đây là khu vực chịu nhiều rủi ro về điều kiện môi trường làm việc, thu nhập thấp và ít ổn định hơn so với khu vực có quan hệ lao động.
Luật cũng cần khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của xã hội trong chính sách việc làm thông qua việc đa dạng hóa các nguồn lực và xã hội hóa dịch vụ việc làm; mở rộng sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội và cá nhân, đặc biệt là cơ chế, chính sách để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, khuyến khích người lao động, nâng cao kỹ năng nghề, chủ động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm; hình thành thị trường lao động chủ động, trong đó người lao động và doanh nghiệp đóng vai trò tích cực.
Bên cạnh đó, Luật cần xây dựng cơ chế thông tin - dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nguồn: http://www.molisa.gov.vn