Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan (Hội đồng nhân dân tỉnh, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp – PTNT); Lãnh đạo Sở và Trưởng các phòng, đơn vị thuộc Sở Lao động – TB&XH; Đại diện Lãnh đạo Phòng Lao động – TB&XH các huyện, thành phố.
Tại điểm cầu Kon Tum
Trong năm 2017, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; Cụ thể: đã giải quyết việc làm cho trên 1.639,7 nghìn người, đạt 102,48% kế hoạch (trong đó: Tạo việc làm trong nước 1.505 nghìn người, đạt 100,7% kế hoạch; Đưa trên 134,7 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 127,6%); ước thực hiện năm 2017 đạt chỉ tiêu tuyển sinh đã đề ra (cụ thể: Cả nước tuyển sinh các cấp trình độ khoảng 2.200 nghìn người, đạt 100% kế hoạch, trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.660 nghìn người (gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 600 nghìn lao động nông thôn và khoảng 20.000 người khuyết tật). Ước tốt nghiệp năm 2017 theo các trình độ đào tạo là 1.900 nghìn người, trong đó: Cao đẳng và trung cấp khoảng 400 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.500 nghìn người. Hoàn thành việc rà soát, đánh giá kết quả giảm nghèo năm 2017 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Theo tổng hợp sơ bộ, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 5%. Thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội: 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 82% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn về quyền trẻ em qua điện thoại; đặc biệt, đã khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có đầu số 111 hoạt động 24/7 với mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Ước thực hiện cuối năm 2017 tỷ lệ xã/phường phù hợp với trẻ em đạt 82%; 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.
Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Rà soát, xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể hồ sơ người có công còn tồn đọng với trên 5.900 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” tiếp tục được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng (Trong năm huy động quỹ Đền ơn đáp nghĩa được gần 800 tỷ đồng; trong đó Quỹ Trung ương thu được 3,8 tỷ đồng). Hỗ trợ gần 650 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp mộ liệt sỹ, các công trình nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ đảm bảo khang trang, có ý nghĩa giáo dục thiết thực.
Năm 2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề ra các chỉ tiêu, kế hoạch: Giải quyết việc làm cho 1.600 nghìn người lao động, Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 26,5 - 28%. Tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 2,2 triệu người; Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo khoảng 2.132 nghìn người; 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 83% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội; 70% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp (theo quy định của Luật trẻ em năm 2016); 83% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đảm bảo 100% người nghiện có quyết định của Tòa án được đưa vào điều trị tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Số người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội khoảng 15.000 lượt người; tư vấn, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 5.000 lượt người. 100% các trường hợp nạn nhân bị mua bán đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; đa dạng các hình thức hỗ trợ sinh kế phù hợp.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2017, ngành đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, một số chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong năm 2018, toàn ngành phấn đấu phát huy thành tích đạt được, khắc phục những khó khăn tồn tại và tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu của Quốc Hội, Chính phủ và ngành đề ra. Ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội, đặc biệt đối với người lao động tham gia xuất khẩu lao động, tránh vi phạm pháp luật tại nước sở tại; đổi mới hệ thống dạy nghề, nghiên cứu dự báo yêu cầu ngành nghề trung hạn, dài hạn,…tăng cường công tác thanh tra kiểm tra; tiếp tục cải cách hành chính; đặc biệt quan tâm đến việc đón Tết của các đối tượng yếu thế, người già cô đơn, người có công cách mạng, lao động trong các khu công nghiệp, công trường, các bệnh viện…,đảm bảo mọi người, mọi nhà được đón tết Mậu Tuất năm 2018./.
Tin: KT