banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Thực trạng và giải pháp tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
11-4-2017

 Luật NKT số 51/2010/QH12, ngày 29/06/2010 của Quốc hội đã qui định một trong các quyền của NKT là: “Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật”. 

(Dạy nghề cho NKT tại Trung tâm BT & CTXH tỉnh Kon Tum)

Ở Việt Nam, công tác tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ việc phát triển hạ tầng cơ sở cho đến chính sách trợ giúp NKT tham gia học nghề cũng như giáo viên dạy nghề. Tại Điều 27 của Luật Giáo dục nghề nghiệp Số: 74/2014/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2014 qui định: Nhà nước khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển NKT vào học hòa nhập; khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho NKT. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho NKT được hưởng các chính sách quy định tại Điều 26 của Luật này và được Nhà nước hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; được giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình sự nghiệp ở nơi thuận lợi cho việc học của NKT”.

Ngày 29 tháng 7 năm 2016 Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã ban hành Công văn Số: 2839/LĐTBXH-BTXH về đào tạo nghề cho NKT, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm tổ chức tư vấn học nghề, việc làm cho NKT; nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho NKT, phục hồi chức năng lao động cho NKT. Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã được phân bổ để thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT tại địa phương theo quy định hiện hành.

Thực hiện Luật NKT và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, ngày 29/10/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 1961/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013 - 2020; Ban hành Quyết định số 892/QĐ-UBND, ngày 31/10/2013 về việc phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho NKT và mức hỗ trợ cho NKT là lao động nông thôn, NKT là lao động thành thị thuộc hộ nghèo; Ban hành Công văn số 3348/UBND-VX, ngày 30/12/2014 về việc chỉ đạo công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, theo Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Luật NKT và kế hoạch triển khai Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 5.335 NKT, trong đó gồm: 988 NKT đặc biệt nặng, 3.263 NKT nặng và 1.084 NKT nhẹ. Đa số NKT sống tại cộng đồng cùng với gia đình (chiếm trên 98%), chỉ có 71 NKT đang được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; NKT được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội chủ yếu là NKT đặc biệt nặng, không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn, thuộc gia đình hộ nghèo. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 4.251 NKT nặng và đặc biệt nặng được hưởng chính sách xã hội theo Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND, ngày 01/8/2013 của UBND tỉnh Kon Tum, đạt gần 80% so với tổng số NKT của tỉnh.

Việc dạy nghề và tạo việc làm cho NKT đã được quan tâm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật Việt Nam đưa 02 NKT (01 tại huyện Đăk Hà và 01 huyện Kon Rẫy) ra Hà Nội học nghề, sau khi học nghề Trung tâm đã tạo việc làm ổn định cho họ; Tại huyện Đăk Tô có 06 NKT tham gia học nghề làm chổi đót tại xã Đăk Trăm; Trung tâm Văn hóa – Du lịch Đồng Xuân đã tham gia dạy nghề cho NKT tại Trung tâm BT & CTXH tỉnh...vv. Song công tác tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề cho NKT gặp nhiều khó khăn do nhu cầu học nghề của NKT còn hạn chế và phân bố không tập trung. trong nhiều trường hợp, NKT vẫn rất khó tìm được việc làm. Nguyên nhân là do họ chưa được đào tạo nghề hoặc chưa được đào tạo nghề đúng với khả năng. Mặc khác, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT còn quá ít, tỷ lệ tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn rất thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm, số có thể tìm được việc làm trong các doanh nghiệp hầu như không đáng kể. Thực tế, nhu cầu việc làm của NKT là rất lớn và hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Bên cạnh đó, phần lớn những NKT có việc làm không ổn định, làm các công việc tạm thời, lao động chân tay, làm việc trong các tổ chức cơ sở mang tính nhân đạo, từ thiện. Rất ít người tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn. Vì vậy, thu nhập của NKT cũng tương đối thấp và không ổn định.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các cấp chính quyền về dạy nghề và tạo việc cho NKT còn chưa đầy đủ; hệ thống dạy nghề còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng khả năng dạy nghề cho NKT. Thêm nữa, nội dung chương trình, ngành nghề và hình thức đào tạo cũng chưa hợp lý, kết cấu còn nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa có những giáo trình dành riêng cho NKT. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cho NKT còn hạn chế cả về kiến thức, kỹ năng và nhận thức xã hội. Chưa có số liệu hoàn chỉnh thống kê đánh giá, phân loại số NKT theo mức độ, dạng tật, theo khả năng lao động trên địa bàn tỉnh, để giúp cho công tác dạy nghề phù hợp với khả năng học nghề, khả năng lao động, yêu cầu của giáo dục nghề nghiệp. Các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp.

Mặt bằng trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật của NKT còn thấp và hạn chế, cộng thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, e ngại về chất lượng lao động, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị không phù hợp… cũng là yếu tố hạn chế cơ hội việc làm của NKT. Hầu hết các doanh nghiệp chưa nhiệt tình khi nhận lao động là NKT vào làm việc.

Dịch vụ hỗ trợ việc làm cho NKT tập trung chủ yếu ở khâu dạy nghề và giới thiệu việc làm, trong khi khâu tư vấn nghề, hỗ trợ tại nơi làm việc, tạo ra các điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc còn hạn chế. Các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến việc làm và phục hồi khả năng lao động cho NKT như các cơ sở dạy nghề, Trung tâm dịch vụ việc làm, đơn vị phục hồi chức năng, doanh nghiệp… chưa tạo được sự kết nối, hợp tác chặt chẽ, dẫn đến chưa có nhiều cơ hội cho NKT.

Mặc khác, tâm lý tự ti là một trong những rào cản của không ít NKT khi muốn hòa nhập cộng đồng. Ngoài những trường hợp vì sức khỏe, không ít NKT dù còn khả năng nhưng họ không chủ động hòa nhập cộng đồng vì tự ti bản thân. Do vậy, để xóa bỏ tâm lý này, rất cần sự sẻ chia từ cộng đồng. Cho tới nay, mọi người đều thừa nhận nguyên nhân chính của những bất lợi mà NKT đang phải đối mặt, cũng như việc họ thường xuyên bị tách biệt khỏi xã hội không phải do tình trạng khiếm khuyết cơ thể, mà chính là hậu quả của những phản ứng tiêu cực từ xã hội đối với NKT.

Để hỗ trợ NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, ngoài những chính sách chung của Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng thì việc tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là một việc làm thiết thực. trong đó tập trung vào các giải pháp, đó là:

- Tiến hành khảo sát để đánh giá đúng thực trạng công tác hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho NKT trong thời gian qua, từ đó tập trung nâng cao trình độ chuyên môn cho NKT. Muốn vậy, NKT phải được đào tạo nghề phù hợp với trang thiết bị của các doanh nghiệp. NKT cũng phải có sự đầu tư để vững vàng về chuyên môn, giỏi tay nghề, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

- Vấn đề cần giải quyết hiện nay là từ hai phía. Phía NKT cần phải trang bị các kỹ năng nghề nghiệp, cũng như các kỹ năng mềm, kỹ năng hòa nhập cuộc sống để phù hợp với hoạt động của các doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NKT khi vào làm việc. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp để họ tự nguyện tham gia mạnh mẽ hơn trong việc tạo việc làm cho NKT.

 - Cần tăng cường nguồn lực cũng như các dự án dạy nghề cho NKT và việc dạy nghề cho NKT cần phải gắn với vấn đề việc làm: Trong bối cảnh hiện nay, khi các ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, mây tre đan xuất khẩu… đang dần bị mai một do những người khoẻ mạnh muốn tìm công việc khác có thu nhập cao hơn thì đối với NKT đó lại là những ngành nghề tương đối phù hợp. Do đó, thiết nghĩ cần triển khai phát huy việc dạy nghề cho NKT ở những ngành nghề này. Ngoài ra, Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT còn thể hiện ở các chương trình, đề án của địa phương phải có quy định ưu tiên, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho NKT. Trên cơ sở danh mục nghề đào tạo cho NKT, định mức chi phí đào tạo cho từng nghề, các địa phương cần đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho NKT như việc hỗ trợ thông qua cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức NKT, tổ chức vì NKT, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng NKT…

- Nhà nước cần phải có chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở dạy nghề tuyển NKT vào học hoà nhập, khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập cơ sở dạy nghề dành cho NKT. Do đó, ngoài những chính sách chung của cơ sở dạy nghề, các cơ sở dạy nghề dành cho NKT còn được Nhà nước hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, được giao đất không thu tiền hoặc thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học nghề của NKT. Điều này khuyến khích các cơ sở dạy nghề cho NKT được thành lập, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở này duy trì hoạt động trong quá trình thực hiện việc đào tạo nghề cho NKT.

 - Cần nâng cao mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên dạy nghề cho NKT. Hiện nay đã có những ưu đãi dành cho giáo viên dạy nghề cho NKT. Tuy nhiên, mức phụ cấp này vẫn chưa khuyến khích được các giáo viên dạy nghề cho NKT. Giáo viên dạy nghề cho NKT đòi hỏi phải kiên trì và mất nhiều công sức hơn so với giáo viên giảng dạy cho những người bình thường. Đối với một số dạng tật, giáo viên còn phải học và nắm bắt được ngôn ngữ đặc thù của NKT. Vì vậy, để khuyến khích các giáo viên dạy nghề cho NKT cần nâng cao hơn mức phụ cấp đặc thù cho họ.

- Cần đẩy mạnh việc nâng cao trình độ văn hoá cho NKT: Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tạo cơ hội học nghề của NKT bị hạn chế cũng như việc NKT thường học các nghề đơn giản, trình độ thấp dẫn đến công việc và thu nhập không ổn định là do trình độ văn hoá của NKT còn thấp, ít người được tham gia học tập. Vì vậy, để nâng cao việc dạy nghề và việc làm cho NKT, đặc biệt là những ngành nghề có trình độ chuyên môn và thu nhập cao thì cần phải nâng cao trình độ văn hoá của NKT. Đây được xem là giải pháp có tính căn bản để giải quyết vấn đề này.

- Cần có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan nhằm tăng cơ hội dạy nghề, việc làm cho NKT: Hiện tại chúng ta đã có các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ việc làm cho NKT như các cơ sở dạy nghề, Trung tâm dịch vụ việc làm, đơn vị phục hồi chức năng, doanh nghiệp… Tuy nhiên, sự kết nối, hợp tác giữa các đơn vị còn chưa chặt chẽ nên cơ hội học nghề và việc làm đối với NKT còn ở mức độ rất hạn chế. Chính vì vậy, cần phải tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các đơn vị này. Có như vậy mới tăng cơ hội học nghề và việc làm cho NKT.

  - Đảm bảo việc làm và thu nhập cho NKT là cơ sở để xóa bỏ sự mặc cảm của bản thân NKT. Mặc cảm là tâm lý phổ biến ở những NKT. Rất nhiều NKT cảm thấy mặc cảm vì nghĩ rằng mình vô dụng, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sự mặc cảm khiến cho nhiều NKT sống khép kín, hạn chế hoặc không tham gia vào các mối quan hệ xã hội, một số bất mãn, dễ cáu giận đối với mọi người xung quanh, thậm chí có những người đã có những hành động tự hủy hoại bản thân mình. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý này là do họ không có việc làm và không tạo được nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống của mình và gia đình. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho NKT là cách cơ bản nhất để NKT nhận ra những khả năng thực sự của mình, đồng thời chứng minh được giá trị của bản thân mình trước mọi người. Ngoài ra, việc NKT tham gia lao động, làm việc và có thu nhập nuôi sống được bản thân và gia đình còn giúp cho họ có được địa vị bình đẳng hơn trong gia đình và xã hội.

- Tổ chức các hoạt động Ngày hội việc làm lồng ghép cho NKT. Đó là việc mở những gian hàng tuyển dụng lao động khuyết tật trong những phiên chợ giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các đơn vị, huyện, thành phố tổ chức. Qua hoạt động này, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến NKT; trong đó có chính sách dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với NKT; Hỗ trợ NKT phát huy khả năng, năng lực của bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội; Tạo điều kiện cho NKT được tư vấn nghề nghiệp phù hợp và có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường lao động. Với mục tiêu: “Đem cho con cá không bằng đem cho cần câu cá”. Qua đó, giúp NKT nhận được chiếc cần câu từ tay cộng đồng và xã hội và sử dụng thật tốt chiếc cần câu để cuộc sống ngày càng ổn định.

Cuối cùng, là thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn vinh Người lao động khuyết tật và doanh nghiệp vì NKT, nhằm thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực, tự tin của NKT tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội; động viên, khích lệ kịp thời NKT có tinh thần giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống. Tiếp tục khơi dậy truyền thống "Thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam, đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội cùng tham gia giúp đỡ để NKT có thêm động lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tạo cơ hội cho NKT, người bảo trợ tiêu biểu được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong lao động, học tập và chăm sóc NKT một cách tốt nhất. 

                                                                    Bài viết: Trung Thuận

 

Số lượt xem:1757

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


494249 Tổng số người truy cập: 1190 Số người online:
TNC Phát triển: