banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chị Y Nhưp làm giàu
28-3-2014

 

Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, 1 tuổi, chị Y Nhưp mồ côi mẹ. Bố đi thoát ly hoạt động cách mạng. 3 chị em gái chị lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của bà con dân làng. Sau ngày đất nước thống nhất, chị Y Nhưp lấy một người đàn ông nổi tiếng chăm chỉ, siêng năng trong làng – anh A HLấp. Thế nhưng, vì bố mẹ hai bên gia đình đều nghèo nên cũng chẳng có gì để cho con cái làm của hồi môn. Nhưng với chị Y Nhưp, hòa bình lập lại, xóm làng bình yên, gia đình được đoàn tụ, sum vầy bên nhau đã là niềm hạnh phúc lớn lao, không dám mơ ước gì hơn.
Ngày đó, ở làng Trang đất rộng, người thưa. Vợ chồng chị Y Nhưp bắt đầu cuộc sống mới bằng việc khai hoang đất trồng mía. Ngày đêm vợ chồng ăn rừng, ngủ rẫy, nỗ lực làm lụng mong sao sau này thế hệ con cháu mình có ngày sẽ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Ngày đó, nhiều nơi phong trào trồng mía phát triển nên khai hoang đến đâu, vợ chồng anh chị trồng mía đến đó. Đầu tiên chỉ trồng được 2 ha mía, sau đó phát triển lên được 6 ha. Được vài mùa mía, giá cả bấp bênh, vậy là vợ chị lại bàn nhau chặt mía để trồng mì. Cũng được vài năm, đất trồng mì cũng dần dần bạc màu, năng suất giảm sút, thu hoạch không được dư giả nhiều. Ngoài việc trang trải chi tiêu, nuôi đủ 8 miệng ăn gia đình (2 vợ chồng và 6 đứa con), mỗi mùa thu hoạch mì, chị Y Nhưp cũng dành dụm mua 1-2 con bò để gầy đàn với hy vọng chuyển hướng phát triển kinh tế gia đình vì trồng trọt không ăn thua. Không bao lâu đàn bò đã phát triển lên đến 15 con bò, vừa làm sức kéo, vừa lấy phân bón cho cây trồng.
Năm 2005, làng Trang chưa ai trồng cao su, trong một lần xuống thị xã Kon Tum (thành phố Kon Tum hiện nay), chị nghe thấy bà con “đồn” rằng trồng cao su mang lại giá trị kinh tế rất cao và nhiều nơi bà con cũng đã đầu tư chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang trồng cao su. Đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế theo hướng thoát nghèo bền vững, chị Y Nhưp “mở cờ trong bụng” về bàn ngay với chồng để lập kế hoạch trồng loại cây trồng mới. Không biết đặc tính cây trồng, không biết về cách thức trồng và chăm sóc, thu hoạch giống cây cao su thế nào nhưng chị Y Nhưp khuyên chồng có quyết tâm là sẽ làm được tất cả. Vậy là cả hai vợ chồng mạnh dạn chở nhau xuống các xã vùng ven thành phố Kon Tum để nhờ các hộ gia đình hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật. Giai đoạn chuyển đổi ban đầu, vợ chồng chị Y Nhưp trồng thử 3 ha cao su. Về phần vốn đầu tư để mua cây giống, phân bón, chị Y Nhưp đã nhờ cán bộ chi hội phụ nữ trong thôn, hội phụ nữ xã hướng dẫn vay 2 triệu đồng từ NHCSXH để có tiền mua cây giống; thế chấp sổ đỏ vay Ngân hàng NN&PTNT 12 triệu đồng để đầu tư mua phân bón chăm sóc vườn cây. Được 1 năm, thấy vườn cây xanh tốt, vợ chồng chị lại quyết tâm bán hết đàn bò 15 con để tiếp tục đầu tư trồng thêm 3 ha cao su. Và lần này đã có kinh nghiệm nên vợ chồng chị không mua cây giống mà tự ươm cây giống trồng để giảm bớt một khoảng chi phí đầu tư ban đầu.
Những năm đầu, để đảm bảo cuộc sống gia đình, vợ chồng chị trồng mì xen cao su. Năm 2012, 3 ha cao cao của gia đình chị chính thức đi vào khai thác. Chưa biết cách khai thác, cạo mủ cao su thế nào, chị và các con mình lại đi học hỏi kinh nghiệm của bà con, tham gia các lớp tập huấn về cạo mủ cao su do địa phương tổ chức. Vậy nên, năm 2013, khi gia đình chị có thêm 2 ha cao su nữa đi vào thu hoạch và việc khai thác mủ đã thành thạo hơn nên thu nhập cũng ở mức khá cao, trừ hết chi phí cũng còn 150 triệu đồng. Năm 2014, gia đình chị Y Nhưp có thêm 1 ha cao su nữa đi vào khai thác. Mỗi năm, đến kỳ khai thác mủ, ngoài những thành viên trong gia đình, chị còn thuê thêm 4-5 lao động trong làng với tiền công trả gần 5 triệu đồng/tháng. Từ chỗ không có kiến thức, kinh nghiệm trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, bây giờ những thành viên trong gia đình chị Y Nhưp ai nấy đều đã thạo việc. Năm 2011, vợ chồng chị Y Nhưp đã đầu tư mua thêm 1,6 ha đất tiếp tục đầu tư trồng cao su. Chị Y Nhưp cho biết, nếu 8 ha cao su gia đình chị đi vào khai thác hết, với giá cả như hiện nay, mỗi năm gia đình chị cũng thu về vài trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Bây giờ, các con chị Y Nhưp đã lập gia đình ra riêng, mỗi đứa cũng đều được vợ chồng chị mua cho 1-2 ha đất trồng cao su. Mặc dù đã qua rồi cái thời khốn khó nhưng với chị Y Nhưp lúc nào cũng dạy các con mình phải nỗ lực, cố gắng làm ăn, chắc tiêu, dành dụm bởi nếu không có kế hoạch chi tiêu hợp lý thì có cố gắng làm lụng bao nhiêu thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Tận dụng lòng hồ Ya Ly, sắp tới, chị Y Nhưp đang có dự định sẽ phát triển chăn nuôi vịt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
 

Bài: Tú Quyên

 

Số lượt xem:1922

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


494447 Tổng số người truy cập: 3672 Số người online:
TNC Phát triển: