Ông A Đua kể: Quê ông ở vùng núi Tu Mơ Rông, song cha mẹ mất sớm nên xuống Kon Đào (nay thuộc huyện Đăk Tô) sống với chị gái từ nhỏ. Năm 1972, ông đi bộ đội, biên chế vào đơn vị C1, Huyện đội H80. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tham gia lớp quân chính của tỉnh Gia Lai-Kon Tum, rồi nhận công tác tại Thị đội Plei Ku. Giữa năm 1978, ông được điều về C187, công tác tại khu vực biên giới Tây Nam của tỉnh.
Đầu năm 1979, ông và một số cán bộ, chiến sĩ cùng trung đội bị thương trong khi bảo vệ chốt đường biên. Trong đó, ông A Đua bị thương nặng nhất, phải chuyển ra Bệnh viện 108 (Hà Nội) điều trị. Sức khỏe ông A Đua dần hồi phục, song mắt trái bị tổn thương nặng, chỉ nhìn thấy lờ mờ, mắt phải bị hỏng hoàn toàn, được phẫu thuật cắt bỏ.
Vợ chồng thương binh nặng A Đua. Ảnh : TN
Với kết luận mất 82% sức lao động và giám định thương binh 1/4, đầu năm 1980, ông A Đua trở về Kon Tum, được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trại Thương binh tỉnh Gia lai - Kon Tum (đứng chân tại xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum). Sau nhiều năm gắn bó với mái nhà chung nghĩa tình này, ông may mắn gặp cô công nhân cao su Nguyễn Thị Thời. Cảm thương hoàn cảnh của thương binh A Đua, lại quý mến chàng trai có duyên ngầm và giọng hát hay, bà Thời nguyện gắn bó cuộc đời, cùng nhau đắp xây hạnh phúc. Đám cưới của họ vào tháng 11/1988 là một trong số đám cưới “to” nhất ở trại. Ai cũng mừng cho A Đua tìm được người bạn đời đẹp người đẹp nết. Niềm vui của gia đình nhỏ càng chan chứa khi con trai đầu lòng ra đời (tháng 3/1990).
Vừa nuôi con nhỏ, lại chăm lo cho chồng nên bà Thời nghỉ làm công nhân, ở nhà để toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình. Khi con trai được 4 tháng, vợ chồng ông A Đua là một trong số hai hộ thương binh đầu tiên được chuyển ra khu dân cư theo chủ trương đưa thương binh nặng hòa nhập cuộc sống cộng đồng của nhà nước.
Tháng 7/1990, căn nhà nhỏ trên đường Đống Đa trở thành tổ ấm mới của gia đình thương binh nặng A Đua. Không chỉ trông chờ vào trợ cấp hằng tháng của chồng, bà Thời vẫn thu xếp đi làm để có thêm thu nhập. Từ làm cỏ, gọt mì, đến chặt mía, cuốc đất, hễ vợ bận công việc thì ông A Đua lại chủ động cáng đáng việc nhà. Từ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đến nuôi heo, gà, ông A Đua làm việc gì cũng ngăn nắp, gọn gàng. Có năm, ông còn tận dụng hai cái ao ở khu vực gần nhà để nuôi cá. Trên chiếc xe đạp cũ, nhiều năm liền, ông cần mẫn đạp xe đưa hai con đến Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, cho đến khi con vào cấp 2, có thể tự đi học.
Chăm lo tăng gia sản xuất. Ảnh: T.N
Trong suốt những năm vợ phải đi làm thuê và cả sau này, khi đã gây dựng được một sạp hàng nhỏ tại chợ Võ Lâm, ông A Đua luôn cần mẫn chia sẻ công việc nhà, đồng thời tận tình, chu đáo dạy dỗ con cái. Với ông, “dù cha mẹ có vất vả thế nào, cũng ráng tạo điều kiện cho các con học hành đến nơi đến chốn”. Nhờ đó, hai con trai đều rất tự giác và nỗ lực học tập, rèn luyện. Các cháu đều lần lượt vào đại học, sau đó ổn định công việc và gia đình riêng.
Con trai đầu A Quốc Đại, hiện công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Kon Tum. Con trai út A Minh Ngọc tốt nghiệp Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện công tác tại Sở Tư pháp.
Chịu thương chịu khó lại khéo dành dụm, vợ chồng ông A Đua không chỉ chăm lo cho con cái học hành, mà năm 2015, còn xây lại căn nhà với kết cấu hai tầng khang trang khiến bà con dân phố vô cùng thán phục, ngưỡng mộ.
Được bà con quý mến, tin cậy bởi sống giản dị, chân thành và luôn ý thức cao trong việc xây dựng mái ấm tiến bộ, hạnh phúc chính là nền tảng giúp gia đình người thương binh 1/4 tự tin vững bước, tiếp tục phấn đấu để luôn xứng đáng với truyền thống đáng quý của người có công.
Thanh Như