banner
Thứ 2, ngày 20 tháng 1 năm 2025
Kết quả Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
24-8-2018

Trong đó giao cho Sở Lao động-TB&XH (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo CTMTQG giảm nghèo bền vững) phối hợp với Sở Nội vụ (Ban thi đua - Khen thưởng tỉnh) và các đơn vị liên quan thống nhất các nội dung, biện pháp triển khai thực hiện Phong trào thi đua và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào để giúp đỡ người nghèo giảm nghèo bền vững.

Pa nô truyền thông của Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, thành phố phối hợp với Hội đồng thi đua-Khen thưởng cùng cấp xây dựng Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua trên địa bàn; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện Phong trào thi đua đến cộng đồng dân cư; hướng dẫn tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng tại các địa phương, đơn vị. Đã có 10/10 huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn đến năm 2020.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, kết quả ban đầu đạt được trên các mặt, đó là:

Công tác truyền thông, tuyên truyền được triển khai thực hiện với hình thức triển khai đa dạng, phong phú như: Xây dựng chuyên mục phát sóng trên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; tuyên truyền thông qua báo in, báo nói, báo hình, kết hợp tuyên truyền trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử, ấn phẩm thông tin tuyên truyền (bản tin, tập san,…) của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền thông qua các thiết chế văn hóa tại địa phương, hệ thống pa nô, khẩu hiệu; hệ thống loa phát thanh không dây và các buổi họp dân, sinh hoạt các chi bộ, chi hội, đoàn thể. Trong năm 2017-2018, xây dựng, sửa chữa 10 cụm pano trên địa bàn các huyện, thành phố với chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; treo băng rôn tại các trục đường chính trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Tổ chức 02 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở, có 72/86 xã cử cán bộ tham gia tập huấn; thực hiện in 350 tờ áp phích và 810 cuốn sổ tay giảm nghèo về thông tin cung cấp cho cán bộ Văn hóa-Thông tin 86 xã và cán bộ của 749 thôn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững. Kịp thời cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng những kinh nghiệm, những cách làm hay ra toàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, các sở, ban ngành, địa phương đã tập trung phân bổ nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo gắn với việc thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” như: đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ lao động nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng; thực hiện công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, kết quả cụ thể: trong năm 2017-2018, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn đãthực hiện hỗ trợ cây lương thực (giống lúa, ngô); cây công nghiệp (cà phê, bời lời, keo lai, cây bơ); gia cầm (con ngan, vịt); gia súc (trâu, bò, lợn dê); hỗ trợ làm chuồng trại; vật tư (phân bón các loại, thuốc BVTV); xây dựng các mô hình chăn nuôi trâu, bò, trồng đương quy, cà phê ...; hỗ trợ máy, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất cho hộ nghèo thụ hưởng. Đã triển khai 02 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 02 xã thuộc 02 huyện, thành phố; việc xây dựng và thực hiện dự án luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo chăm sóc cây cà phê bằng chế phẩm phân bón sinh học bảo vệ môi trường (tại xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) và dự án chăn nuôi dê sinh sản (tại xã Kroong, thành phố Kon Tum) thông qua luân chuyển vốn theo quyết định 1215/QĐ-UBND, ngày 14/11/2017 và Quyết định 271/UBND-KGXV, ngày 19/3/2018 của UBND tỉnh nhằm thể chế hóa cơ chế hỗ trợ trọn gói, tối đa hóa nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo tại cấp xã để đảm bảo giảm nghèo bền vững, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Sự tham gia của người dân là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công chung của dự án, tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng và minh bạch các nguồn lực tham gia dự án. Ngoài ra, các tổ chức chính trị-xã hội đã triển khai đến hội viên của mình thực hiện các mô hình nhằm giảm nghèo bền vững, như: Hội LHPN tỉnh đã xây dựng được 15 mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết, có 320 hội viên, phụ nữ tham gia (trong đó có 01 hợp tác xã, 04 tổ hợp tác và 10 mô hình tổ liên kết).

Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh tính đến ngày 31/12/2017 là 26.164 hộ, chiếm tỷ lệ 20,30% so với số hộ dân toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,56%/năm (từ 26,11% vào đầu năm 2016 xuống còn 20,30% vào cuối năm 2017), đạt 101,71% so với kế hoạch Đề án. Trong 2 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 10.340 hộ; Tổng số hộ nghèo DTTS toàn tỉnh tính đến ngày 31/12/2017 là 24.236 hộ, chiếm tỷ lệ 36,21% so với số hộ dân DTTS toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 5,10%/năm (từ 46,57% vào đầu năm 2016 xuống còn 36,21% vào cuối năm 2017), đạt 125,9% so với kế hoạch Đề án. Trong 2 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 9.272 hộ; Tính đến thời điểm tháng 01/2018, toàn tỉnh có 20 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí số 11: Tỷ lệ hộ nghèo); Thu nhập bình quân của hộ nghèo là 644 ngàn đồng/người/tháng, dự kiến đạt 122% so với mục tiêu tăng thu nhập bình quân hàng năm của hộ nghèo theo Nghị quyết đề ra.

Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn UBMTTQVN các cấp và các đoàn thể nhân dân vận động đoàn viên, hội tham gia hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong năm 2017-2018, thông qua Quỹ Vì người nghèo của tỉnh, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đã ủng hộ 28.542,739 triệu đồng, trong đó đã thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 81 hộ nghèo với kinh phí 3.410 triệu đồng; thăm nhân dịp Tết Nguyên đán cho 56.191 lượt hộ nghèo với kinh phí 23.185,65 triệu đồng.

 Sở Lao động-TB&XH đã phối hợp với Ban thi đua -Khen thưởng tỉnh tham mưu cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; đồng thời là đầu mối tiếp nhận hồ sơ khen thưởng của các đơn vị, địa phương trình UBND tỉnh khen thưởng. Trong năm 2018, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban thi đua -Khen thưởng tỉnh, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh triển khai thực hiện: khen thưởng 03 cá nhân điển hình tiên tiến thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong dịp lễ kỉ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện đánh giá, xét chọn các tập thể, cá nhân tiêu biểu từ phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong dịp hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020 vào tháng 11/2018.

Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, cùng với sự ủng hộ, tham gia của các tầng lớp nhân dân trong phong trào thi đua ”Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; bước đầu tạo được mối đại đoàn kết trong khu dân cư, người dân có ý thức hỗ trợ giúp nhau cùng phát triển; Phong trào đã nhận được sự tham gia ủng hộ tích cực của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã triển khai Kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức các đợt phát động thực hiện phong trào thi đua. Do vậy tạo được động lực mạnh mẽ từ các tập thể, cá nhân và cộng đồng; Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; phong trào thi đua đã bám sát mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn. Thông qua phong trào thi đua đã phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép, gắn kết các nội dung thi đua với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Ngày cả nước vì người nghèo 17/10 hằng năm", đã có tác động tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững; Nhận thức trong nhân dân, người nghèo và dân tộc thiểu số đang dần chuyển biến dẫn đến chuyển đổi hành vi để tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu vươn lên làm giàu.

Song, qua thực tiễn vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là:

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh tuy đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên mức lan tỏa phong trào thi đua chưa sâu rộng; kết quả giảm nghèo trên địa bàn chưa thực sự bền vững. Việc nhân rộng điển hình tiên tiến thông qua phong trào thi đua có nơi còn chưa thực hiện tốt.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tại một số huyện, xã chưa được thường xuyên, sâu rộng nên một số đối tượng thụ hưởng chưa nắm hết nội dung hỗ trợ của chính sách dẫn đến người dân xác định nội dung hỗ trợ chưa sát với nhu cầu và điều kiện thực tế của đối tượng được thụ hưởng; công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả các nội dung hỗ trợ ở một số địa phương chưa kịp thời, chưa đi vào chiều sâu, do đó hiệu quả của một số chương trình, chính sách chưa cao, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như việc thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, Chương trình 135 và Quyết định số 2085/2016/QĐ-TTg về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020.

Việc tham gia hưởng ứng phong trào thi đua“Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh chưa được thường xuyên, liên tục. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”; còn thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để thu hút nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Một số cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, phường, thị trấn còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo có đôi lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ. Công tác tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa lan tỏa đến hầu hết các hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Địa bàn sinh sống rộng, mùa mưa chiếm nửa thời gian trong năm, công tác truyền thông gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước; vẫn giữ những phong tục tập quán lạc hậu trong chăn nuôi, sản xuất; không nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

 Kon Tum là tỉnh miền núi, có 28 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 53,2%. Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thành phần kinh tế hộ nghèo còn cao, có 28.164 hộ, chiếm tỷ lệ 20,30%; đời sống của nhân dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; nguồn lực huy động được phải chuyển đến nhiều đối tượng, nguồn lực bị chia nhỏ, có tính chia đều, chưa tạo được nguồn lực lớn để giúp hộ nghèo. Không có nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh nên việc huy động, quyên góp còn có những hạn chế nhất định. Cơ sở hạ tầng tuy được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông.

Từ những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế nêu trên, trong thời gian đến với những thuận lợi xen lẫn thách thức đặt ra cho chúng ta cần có những giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào chi đụa “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh, cụ thể là:

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; xác định phong trào thi đua là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành; sáng tạo, áp dụng các hình thức, nội dung thi đua phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi ngành, mỗi địa phương; phát huy tinh thần tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo; huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục gắn kết phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, huy động, lồng ghép nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung của phong trào, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn, nâng cao đời sống cho người nghèo, các đối tượng yếu thế, kịp thời phát hiện để uốn nắn các sai phạm trong quá trình trình triển khai thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo đến cuối năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-4%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, chính sách phát triển sản xuất, đất sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi để cải thiện điều kiện sống của người nghèo; giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; dạy nghề và hỗ trợ cho lao động thuộc đối tượng đủ điều kiện xuất khẩu lao động. Thực hiện sơ, tổng kết Phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện phong trào đề nghị biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhận thức đầy đủ việc xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp về mục đích, ý nghĩa, các nội dung của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh đến các cấp, các ngành, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân để tạo sự đồng thuận tham gia. Khuyến khích, vận động nhân dân, hộ gia đình nghèo tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự tham gia đóng góp của người nghèo, hộ nghèo. Thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm, trong năm làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo đến năm 2020; thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có giải pháp cụ thể, thoát nghèo bền vững.

Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn tạo điều kiện người nghèo mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, hạn chế tình trạng tái nghèo nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cao; sử dụng có hiệu quả đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo cấp xã, không chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ với đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã. Gắn kết thực hiện Đề án giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp tạo cho cơ sở chủ động từ khâu kế hoạch đến điều hành quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Đề án giảm nghèo.

Thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực các chính sách có cùng mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động- việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí đa chiều như y tế, giáo dục- đào tạo, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, ưu tiên phát triển hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ và nước sinh hoạt.

                                                          Bài, ảnh: Trung Thuận

 

Số lượt xem:2931

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


580970 Tổng số người truy cập: 2763 Số người online:
TNC Phát triển: