Ảnh: Toàn cảnh Ngày hội.
Tham dự ngày hội với sự có mặt của đồng chí Lại Xuân Lâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Trung Thuận – Phó Giám đốc Sở Lao động – TB&XH, cùng hơn 100 đại biểu là người khuyết tật đến từ các huyện, thành phố và đại diện các sở, ban, ngành, các cơ sở dạy nghề, cơ sở kinh doanh dịch vụ,…
Ngày hội diễn ra nhằm đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum; giới thiệu chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật học nghề, tạo việc làm; bản thân những người khuyết tật tiêu biểu, có thành tích trong lao động, sản xuất chia sẻ kinh nghiệm; phát biểu của đại diện các tổ chức, cơ sở dạy nghề, kinh doanh dịch vụ có tuyển dụng người khuyết tật học nghề và làm việc… Đặc biệt, đến với Ngày hội, người khuyết tật được các nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người khuyết tật; tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tranh ảnh, đồ mộc mỹ nghệ do người khuyết tật tại Cơ sở Tranh gạo Làng Hồ và Cơ sở Mộc - mỹ nghệ Nguồn Xanh trực tiếp làm ra.
Ngày hội là cơ hội giúp cho người khuyết tật nắm bắt thông tin thị trường lao động, kết nối người khuyết tật với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề phù hợp với khả năng, sức khỏe của người khuyết tật. Giúp họ có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người khuyết tật theo chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về tham dự Ngày hội, đồng chí Lại Xuân Lâm đã thay mặt Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum phát biểu chỉ đạo các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp… cùng chung tay góp sức giúp đỡ, tạo điều kiện cho người khuyết tật được học nghề, có việc làm. Đồng chí nói: “Ngày hội Việc làm dành cho người khuyết tật hôm nay, tôi mong rằng các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ sẽ có dịp phỏng vấn, kiểm tra nghề, tuyển dụng lao động khuyết tật theo yêu cầu của mình và nhiều lao động khuyết tật có được việc làm. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề nỗ lực quảng bá, tìm hiểu nhu cầu ngành nghề thực tế để có nội dung, chương trình đào tạo phù hợp. Các nhà quản lý lao động có cơ sở để đánh giá nhu cầu, xu hướng và thực trạng lao động khuyết tật của địa phương để giúp cho nhiều lao động khuyết tật có việc làm, có thu nhập, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của bản thân”.
Đ/c Nguyễn Trung Thuận - PGĐ Sở cùng làm tranh với người lao động.
NKT được Chủ cơ sở Tranh gạo Làng Hồ, cơ sở Bánh kem Lan Khánh tư vấn, tuyển dụng lao động.
Tin và ảnh: Anh Vi