banner
Thứ 7, ngày 18 tháng 1 năm 2025
Hội nghị sơ kết công tác giáo dục nghề nghiệp 6 tháng đầu năm 2019
24-7-2019

Nhằm đánh giá kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm năm 2019, kịp thời chỉ ra những mặt mạnh, mặt hạn chế, khuyết điểm, từ đó đưa ra các biện pháp thực hiện sát thực tế, có hiệu quả, đôn đốc thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung hoạt động, chính sách giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo phù hơp nhu cầu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu ngành, lĩnh vực, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện đào tạo nghề, thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cụ thể để tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục nghề nghiệp trong 6 tháng cuối năm.
Điều hành hội nghị có đồng chí Trần Văn Thiện Phó Giám đốc Sở, cùng các đồng chí Phòng Dạy nghề Sở. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo và cán bộ quản lý công tác đào tạo nghề của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Kon Tum.



Đ/c Nguyễn Đăng Sao, Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX huyện Sa Thầy, đơn vị đăng cai tổ chức, phát biểu chào mừng Hội nghị.



Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo kết quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh Kon Tum, ông Lê Phúc Ánh - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: Trong năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo của đơn vị. Bên cạnh đào tạo các ngành nghề trọng yếu của tỉnh, còn tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 7/2019 đã đào tạo được tổng số: 4.451 người, cụ thể:
Trình độ cao đẳng:
+ Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum duy trì đào tạo 626 sinh viên (trong đó nữ 479 sinh viên, DTTS 432 sinh viên). Tuyển mới 92 sinh viên (Đạt 30,66% kế hoạch, trong đó nữ 74 sinh viên, DTTS 64 sinh viên). Tốt nghiệp 88 sinh viên (trong đó nữ 60 sinh viên, DTTS 18 sinh viên).
+ Trung tâm GDNN – GDTX huyện Đăk Tô liên kết trường Cao đẳng Phương Đông đào tạo liên thông trình độ Cao đẳng 40 học viên nghề Dược và Điều dưỡng (trong đó nữ 37 sinh viên, DTTS 3 sinh viên).
- Trình độ trung cấp:
+ Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum: duy trì đào tạo 266 học sinh (trong đó nữ 67 HS, DTTS 193 HS); Tuyển mới 86 HS (Đạt 14,58% kế hoạch. Trong đó nữ 28 HS, DTTS 79HS). Tốt nghiệp 48 HS (trong đó nữ 26 HS, DTTS 22 HS).
+ Trung tâm GDNN – GDTX huyện Đăk Tô liên kết trường Cao đẳng Phương Đông duy trì đào tạo liên thông trình độ trung cấp 25 học viên nghề Dịch vụ pháp lý (trong đó nữ 7 học sinh, DTTS 22 học sinh).
- Trình độ sơ cấp (theo nhu cầu): 1.419 người (nữ 362 người, DTTS 6 người)
- Dạy nghề dưới ba tháng: 19 người (nữ 1 người, DTTS 2 người)
- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956: 2.056/3.546 người (đạt 57,98% kế hoạch).
Cùng với công tác tuyển sinh đào tạo, các cơ sở thành phố còn tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ nhà giáo. Hiện nay, tổng số nhà giáo trong khối giáo dục nghề nghiệp là 352 người, trong đó cán bộ quản lý 67 người tăng 27 người so với năm 2018, nhà giáo tham gia giảng dạy 285 người. Nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đánh giá, xếp loại nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Song song đó, công tác xây dựng, phát triển Chương trình, giáo trình dạy học cũng được các cơ sở GDNN quan tâm, hàng năm trên cơ sở Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, các cơ sở GDNN triển khai xây dựng mới, chỉnh sửa bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo nghề, được xây dựng theo modul, tín chỉ có thời lượng giữa lý thuyết và thực hành phù hợp, đúng theo quy định, trong đó chương trình lấy thực hành là chính (lý thuyết chỉ từ 10-30% thời lượng học tập, còn lại là thực hành), đáp ứng nhu cầu, phù hợp với điều kiện dạy và học của từng đối tượng, địa phương. Số chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn đã được các cơ sở GDNN phê duyệt, ban hành mới là 12 chương trình, giáo trình và chỉnh sửa, bổ sung 15 chương trình, giáo trình đã thu hút hiệu quả người học và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất trên thị trường lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, tồn tại cả về khách quan lẫn chủ quan như: tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp chưa thực hiện hiệu quả. Công tác tuyển sinh đặc biệt nghề phi nông nghiệp vẫn ít. Ngoài ra một số đơn vị triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn chậm, 6 tháng đầu năm chưa đạt 50% kế hoạch đề ra. Công tác kiểm tra đánh giá đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của các huyện chưa được thường xuyên, chưa bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất cho các cơ sở, chưa tổ chức bồi dưỡng cho nhà giáo của các cơ sở GDNN, chưa thực hiện giải ngân cho các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được mở, khó khăn cho công tác đào tạo cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người học, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả và chất lượng đào tạo. Việc xây dựng kế hoạch tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được các đơn vị quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện; Tổ chức Hội giảng nhà giáo - Hội thi thiết bị đào tạo tự làm GDNN cấp cơ sở chưa được các đơn vị quan tâm đúng mức, còn một số cơ sở GDNN xem nhẹ nội dung này. Công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp hầu như các đơn vị chưa triển khai thực hiện; Chưa quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số thành phần đào tạo lao động trong nhóm chỉ số PCI của huyện, tỉnh.
Để khắc phục những khó khăn và hạn chế nêu trên, Ông Trần Văn Thiện phát biểu ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được nhấn mạnh tiếp tục đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm như:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Các địa phương xây dựng mô hình đào tạo nghề phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững (mô hình đào tạo nghề, tạo việc làm tại các dự án đầu tư lớn; mô hình đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phát triển ngành nghề trong nông thôn; mô hình đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, thực hiện tác cơ cấu ngành nông nghiệp;…).
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động giáo dục nghề nghiệp các cấp.
- Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác đào tạo nghề lao động nông thôn cho đội ngũ cán bộ cấp xã, huyện.
- Tăng cường công tác chỉ đạo các huyện khẩn trương tuyển sinh, triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nâng cao chất lượng đào tạo.
- Các cơ sở GDNN rà soát, điều chỉnh chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy đạt chuẩn theo quy định và phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể theo yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu của người học; thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới. Thực hiện lồng ghép các vấn đề về giới, môi trường, văn hóa xã hội, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp trong nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, xây dựng chương trình quản lý đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, sinh viên; Thường xuyên cử nhà giáo tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với thực tế sản xuất để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
- Tiếp tục tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; Phối hợp với các doanh nghiệp để cùng tham gia hỗ trợ tuyển sinh; Tham gia xây dựng chương trình, giáo trình; Tham gia đánh giá kết quả học tập của học sinh khi tốt nghiệp, tham gia tư vấn về việc mở rộng qui mô, ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của doanh nghiệp… tiếp nhận những học sinh sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp vào làm việc trong doanh nghiệp; Tăng cường phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh để cung cấp thông tin về thị trường lao động, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Đề nghị các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công tác để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2019 được UBND tỉnh giao./.

Tin và ảnh: Tấn Duy

Số lượt xem:18871

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


578506 Tổng số người truy cập: 3998 Số người online:
TNC Phát triển: