Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030
Ngày 29 tháng 8 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ký Quyết định số 555/QĐ-UBND ban hành Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030.
Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
(1) Đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp luật về lao động, quan hệ lao động và nội dung, yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động được công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác;
(2) 100% tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi có yêu cầu được hướng dẫn thành lập, đăng ký thành lập, được hỗ trợ đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể;
(3) Phấn đấu hằng năm kết nạp mới 900 đoàn viên công đoàn, 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở; huy động tối đa người lao động tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, tham gia công đoàn cơ sở;
(4) Có 80% cán bộ ban chấp hành, ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quan hệ lao động sau khi được bầu vào ban chấp hành, ban lãnh đạo; 85% trở lên các doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể theo quy định pháp luật;
(5) Đảm bảo 100% trọng tài viên lao động được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động;
(6) Thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động, đảm bảo 100% hòa giải viên lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu và thực hiện tốt đồng thời hai chức năng hỗ trợ quan hệ lao động và hòa giải tranh chấp lao động.
Theo nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới được đề ra trong Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về sự tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới (Chỉ thị số 37-CT/TW), Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW (Quyết định số 416/QĐ-TTg), Kế hoạch số 119-KH/TU ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Xuất phát từ những tồn tại hạn chế trong triển khai quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua và nhằm triển khai đạt mục tiêu Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra 03 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai. Đó là:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
- Tiếp tục quán triệt, phổ biến đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW, Quyết định số 416/QĐ-TTg; Kế hoạch số 119-KH/TU, Quyết định số 435/QĐ-UBND và Đề án này.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và Nhân dân trong xây dựng quan hệ lao động; kịp thời ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ lao động và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn quản lý.
*Thực hiện: Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn cùng cấp triển khai thực hiện thường xuyên hằng năm.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động
- Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, các thiết chế, quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động và đình công; cơ chế quy trình, thủ tục đối thoại, thương lượng, thỏa thuận giữa các chủ thể trong nội dung đối thoại, thương lượng tập thể tập trung vào các nội dung chính như việc làm, tiền lương, BHXH, BHYT và các chế độ, quyền lợi của người lao động theo quy định; các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong các hoạt động đối thoại, tham vấn, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp và việc thương lượng, ký kết, thực thi các thỏa ước lao động tập thể.
*Thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh; các sở, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện thường xuyên hằng năm.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về lao động, công đoàn trong các doanh nghiệp trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm: chính sách, pháp luật về lao động; quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động. Củng cố lực lượng thanh tra lao động phù hợp với thực tế số lượng doanh nghiệp tại địa phương; thường xuyên theo dõi và kịp thời giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, không để tranh chấp kéo dài dẫn đến đình công.
*Thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện thường xuyên hằng năm.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động, công trình phúc lợi xã hội, các thiết chế công đoàn, quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
*Thực hiện: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động cùng cấp, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện thường xuyên hằng năm.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, bộ tiêu chí đánh giá quan hệ lao động tại các doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả về thông tin, dự báo, kết nối cung - cầu và phát triển thị trường lao động để các đơn vị, doanh nghiệp có cơ sở đối thoại, thương lượng theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan.
*Thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh; các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện (sau khi có hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành trung ương).
- Rà soát tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; bố trí biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ lao động, tiền lương (trong đó có quản lý tổ chức đại diện người lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động) tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, huyện theo quy định.
*Thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì phối hợp Sở Nội vụ triển khai thực hiện thường xuyên hằng năm.
- Tiếp tục thiết lập, vận hành các cơ chế tham vấn ba bên để tư vấn, hỗ trợ cho cơ quan nhà nước trong quá trình tham vấn hoạch định chính sách, thúc đẩy các cơ chế, thiết chế của quan hệ lao động và giải quyết các vấn đề quan hệ lao động trên địa bàn.
*Thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện thường xuyên hằng năm.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động, quan hệ lao động; tuyên truyền việc thực hiện BHXH, BHYT và các chế độ, quyền lợi của người lao động theo quy định; thông tin về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử lao động trong các hoạt động đối thoại, tham vấn, thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp và việc thương lượng, ký kết, thực thi các thỏa ước lao động tập thể.
*Thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện thường xuyên trong năm.
- Hướng dẫn, tuyên tuyền, phổ biến Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo đối với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về tình hình thực hiện sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh để sử dụng hợp lý lực lượng lao động tại chổ, điều hòa cung cầu lao động và phát triển kinh tế - xã hội hài hòa giữa các địa phương trong tỉnh.
*Thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện thường xuyên hằng năm.
- Bố trí quỹ đất, có chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, các công trình phúc lợi tại các khu công nghiệp tập trung theo quy định của pháp luật. Báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng về việc hoàn thiện chính sách về phát triển nhà ở đối với công nhân lao động khu, cụm công nghiệp.
*Thực hiện: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu triển khai thực hiện thường xuyên hằng năm.
- Rà soát, đề xuất công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các thiết chế văn hóa nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động, phù hợp với phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát huy các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần công nhân lao động.
*Thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện thường xuyên hằng năm.
Ba là, giải quyết tốt tranh chấp lao động và đình công
- Rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công bảo đảm kịp thời đúng quy định. Phát huy vai trò của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong hỗ trợ phát triển quan hệ lao động; ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo pháp luật, giải quyết hài hòa lợi ích các bên.
- Kịp thời phối hợp, giải quyết tranh chấp lao động, đình công (nếu có) theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự xã hội; xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng, lôi kéo, kích động, ép buộc người lao động gây rối an ninh, trật tự.
- Tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực và thực hiện các chế độ đãi ngộ phù hợp đối với hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo quy định.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế quản lý hòa giải viên lao động, phân cấp quản lý hòa giải viên lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố.
*Thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh; các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện thường xuyên hằng năm.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp vận động doanh nghiệp, người lao động thực hiện đúng pháp luật; tham gia giám sát, đánh giá, đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển quan hệ lao động; tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung của Đề án đến các tầng lớp Nhân dân. Liên đoàn Lao động tỉnh: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 21-CTr/TU; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về: nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể trong doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Tập trung tuyên truyền vận động các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có sử dụng từ 25 lao động trở lên thành lập tổ chức Công đoàn.
Đồng thời, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì theo dõi, đôn đốc các sở, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp, báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án theo quy định./.
Tổng hợp: Kim Tiến
Số lượt xem:240
0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight
BÀI VIẾT LIÊN QUAN: