banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Bài tuyên truyền nhân Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2017.
18-4-2017
Trong nền kinh tế thị trường một doanh nghiệp muốn cạnh tranh thắng lợi và phát triển một cách bền vững thì phải biết sử dụng hợp lý, hiệu quả tối ưu các nguồn lực, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, nhất là phải thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường. Xét trên góc độ kinh tế, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân làm suy giảm năng suất lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, đi đôi với việc không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì cần phải coi trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiểm soát các nguy cơ rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra trong quá trình lao động sản xuất.
An toàn, vệ sinh lao động là chăm lo đến đời sống, hạnh phúc của người lao động, vừa là yêu cầu thiết thực của các hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời là yêu cầu, là nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Ngược lại, nếu công tác an toàn, vệ sinh lao động không được thực hiện tốt, điều kiện lao động của người lao động còn quá nặng nhọc, độc hại, để xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng thì uy tín của chế độ, uy tín của doanh nghiệp sẽ bị giảm sút.
Trong quá trình lao động dù sử dụng công cụ thông thường hay máy móc hiện đại, dù áp dụng kỹ thuật công nghệ giản đơn hay áp dụng kỹ thuật công nghệ phức tạp, tiên tiến, đều phát sinh và tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm, có hại, gây tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Chính vì vậy, công tác an toàn - vệ sinh lao động luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là một nhiệm vụ lớn và được cụ thể hoá bằng pháp luật làm cơ sở cho các hoạt động quản lý, điều hành, thanh - kiểm tra, nhằm mục đích:
- Đảm bảo an toàn thân thể của người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không để xảy ra tai nạn, chấn thương gây tàn phế hoặc tử vong.
- Bảo đảm người lao động khỏe mạnh, không bị mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh tật khác do điều kiện lao động có hại gây ra.
- Bồi dưỡng phục hồi kịp thời và duy trì sức khoẻ, khả năng lao động cho người lao động.
 

 

Qua các báo cáo tổng hợp, phân tích về tai nạn lao động chết người trong những năm qua cho thấy một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn lao động xảy ra là do người lao động không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, vệ sinh lao động. Công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động không chỉ cung cấp các lý thuyết về an toàn, vệ sinh lao động mà cần chú trọng vào việc huấn luyện thực hành, huấn luyện các kỹ năng tự đánh giá rủi ro, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động. Đó chính là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhằm phòng ngừa và hạn chế các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Với ý nghĩa đó, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ 1 năm 2017 sẽ có chủ đề là “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.

 

Chủ đề của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động phải ngắn gọn, dễ hiểu, gắn với các mục tiêu cụ thể và chứa đựng thông điệp thúc đẩy hành động, nâng cao nhận thức, sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, hướng vào những vấn đề trọng tâm, nổi cộm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động mà cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, dư luận quan tâm.
Theo Thông tư 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/02/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội qui định Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 31 của tháng 5 hàng năm.
Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ 01 năm 2017 tỉnh Kon Tum được tổ chức tại huyện Đăk Tô, vào lúc 08h00' ngày 12/5/2017.
Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành về an toàn, vệ sinh lao động. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào các yêu cầu, chỉ đạo theo chủ đề phát động của Tháng hành động năm đó; các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Khuyến khích các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trong đơn vị, cơ sở; tổ chức khen thưởng về an toàn, vệ sinh lao động cho các tập thể, cá nhân làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung lồng ghép tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với điều kiện của cơ sở.
Trọng tâm của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm nay là  nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thực thi có hiệu quả Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ như: Tập huấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng làm việc đảm bảo ATVSLĐ, tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ cho người lao động; tổ chức hội nghị, hội thảo, mittinh, phát động phong trào thi đua, các cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ; tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trong các phân xưởng, tổ đội sản xuất; biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSLĐ và các hoạt động khác phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị mang ý nghĩa thiết thực, tránh tình trạng hình thức, lãng phí.
Tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động, khám sức khỏe định kỳ, thăm hỏi, động viên cán bộ công nhân viên hoặc gia đình có người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông ATVSLĐ, phát hành các thông điệp, tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, đưa tin phản ánh kịp thời các hoạt động về Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 1 năm 2017 của các cơ quan, đơn vị trước và trong thời gian tổ chức.

Tổng hợp: Thanh Bình

Số lượt xem:3102

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


494224 Tổng số người truy cập: 1101 Số người online:
TNC Phát triển: