banner
Thứ 2, ngày 20 tháng 1 năm 2025
Công tác xã hội đối với người nghèo DTTS - giải pháp thoát nghèo bền vững
11-11-2016
Để giải quyết được những thách thức trên cần có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó công tác xã hội (CTXH) đóng vai trò rất quan trọng. Ở Việt Nam nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành và phát triển từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Quyết định 32/2010/QĐ-TTg), còn gọi là Đề án 32. Chỉ từ khi Đề án được ban hành, Công tác xã hội mới được chính thức coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức. Sau hơn 5 năm thực hiện quyết định của TTCP, công tác xã hội đã đạt nhiều kết quả và phát triển ở những vùng thuận lợi, đô thị. Song, hiện nay các nhóm đối tượng yếu thế ở nước ta chủ yếu đang được sự bảo trợ của ngành Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong đó có người nghèo dân tộc thiểu số.
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở cực bắc Tây Nguyên, Toàn tỉnh hiện có 09 huyện, 1 thành phố; có 56 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; 65 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi. Công tác xã hội đã được qua tâm và đã phát triển bước đầu về tổ chức và một số đối tượng yếu thế đã được thu hưởng như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồi côi, trẻ bị bỏ rơi... song công tác xã hội đối với người nghèo dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế.
          Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 916/QĐ-UBND ngày 08/9/2010 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020; Xây dựng Kế hoạch số 2339/KH-UBND ngày 10/12/2010 về việc triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum....Kết quả bước đầu đã đạt được như: Đã phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; Tổ chức đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội.
Song công tác xã hội đối với người nghèo chưa có một chính sách cụ thể, chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động của ngành LĐ – TB & XH; Mặt trận và các đoàn thể; các dịch vụ cung cấp cho người nghèo còn bỏ ngõ dẫn đến các chính sách được thực hiện song hiệu quả mang lại chưa cao, người nghèo dân tộc thiểu số thoát nghèo chưa thật sự bền vững. Do đó vấn đề đặt ra là: Cần có những chính sách cụ thể nhằm phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách nhằm phát triển công tác xã hội đối với người nghèo dân tộc thiểu số, nhằm giúp họ tăng năng lực, chủ động tự tin thụ hưởng các chính sách của nhà nước một cách tốt nhất; làm cho chính sách của Đảng và nhà nước đến với người nghèo dân tộc thiểu số tốt nhất. Mặt khác, cần phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ cho người nghèo dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ nhân viên xã hội tâm huyết với người nghèo và có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp với nhân viên xã hội;
Để phát triển công tác xã hội trong quá trình thực hiện các chính sách đối với người nghèo dân tộc thiểu số, xin được nêu một số giải pháp, đó là:
Các giải pháp để phát triển Nghề Công tác xã hội:
- Phát triển công tác xã hội phải gắn với việc xây dựng các đề án, chính sách theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, đa lĩnh vực và giảm đầu mối quản lý; chú trọng hơn vào các chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển sinh kế bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất…; đối với những vùng khó khăn cần có các dự án trọng điểm để đảm bảo tập trung nguồn lực thực hiện chính sách; xây dựng và ban hành quy chuẩn cụ thể về ưu tiên và tính đặc thù trong từng chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi.
- Phát triển công tác xã hội phải gắn kết trong các nhóm chính sách như: Nhóm chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc và miền núi; Nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho hộ nghèo, hộ nghèo DTTS)
- Phát triển công tác xã hội trong việc tiếp tục thực hiện các chính sách còn hiệu lực, có hiệu quả,  trong đó cần ưu tiên theo các lĩnh vực: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người DTTS và giảm nghèo bền vững.
- Phân cấp mạnh cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực để phát triển công tác xã hội cũng như thực hiện các chính sách cho người nghèo DTTS; Đẩy mạnh trao quyền cho cộng đồng nhằm nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng trong việc thực nhiện chính sách cho người nghèo dân tộc thiểu số;
- Tăng cường xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp cho người nghèo DTTS, vận dụng lồng ghép trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội để tận dụng tối đa tất cả các nguồn lực một cách hiệu quả cho người nghèo DTTS.
- Tăng cường năng lực và nâng cao vị thế của công tác xã hội đối với người nghèo DTTS để công tác xã hội thực sự là một nghề cao quí,  phù hợp với quá trình phát triển của đất nước cũng như góp phần làm tốt hơn các chính sách giảm nghèo bền vững trong thời gian đến.
- Các giải pháp phát triển đội ngũ nhân viên Công tác xã hội trong việc hỗ trợ người nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận các chính sách, các dịch vụ:
Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ giáo dục, đào tạo và dạy nghề: Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho người nghèo dân tộc thiểu số và con em họ đi học, nhân viên xã hội hỗ trợ cho hộ nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận một cách tốt nhất về các chính sách về giáo dục, như: hỗ trợ, tư vấn cho con em họ tự tin đến trường và thấy được những mặt lợi ích của việc học. Mặt khác, kết nối với các cơ quan thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí cho con em hộ nghèo dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách đó một cách tốt nhất, làm cho chính sách đó càng thêm ý nghĩa, mối quan hệ giữa người nghèo dân tộc thiểu số và các cơ quan cung cấp, thực hiện chính sách hiểu nhau hơn và chia sẻ những khó khăn của nhau. Bên cạnh đó nhân viên xã hội khi làm việc với các thành viên của hộ nghèo dân tộc thiểu số, sẽ xác định được nhu cầu học nghề của từng thành viên trong gia đình, từ đó có kế hoạch kết nối với các tổ chức, cá nhân, các Trung tâm dạy nghề để hỗ trợ họ học nghề phù hợp với từng thành viên và nhu cầu của họ, làm cho họ tự tin khi tham gia học nghề và sẽ có nghề nghiệp ổn định sau khi học. Mặt khác nhân viên xã hội sẽ kết nối các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm khi người nghèo dân tộc thiểu số làm ra, giúp họ ổn định được đầu ra của sản phẩm và có thu nhập ổn định.
Nhân viên công tác xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện khảo sát xác định nhu cầu học nghề của lao động nghèo DTTS trên địa bàn từng huyện, thành phố; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nghèo dân tộc thiểu số hàng năm; xác định số lượng lao động nghèo DTTS cần đào tạo và nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế ở các huyện, thành phố để có cơ sở tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập ổn định cho người nghèo DTTS.
Ngoài ra, nhân viên xã hội còn là người chuyển tải ý kiến của người nghèo dân tộc thiểu số đến với các cơ quan chức năng, giúp các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ các chính sách cho người nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn, bảo đảm đúng qui định và từng bước xã hội hóa, từ đó giúp người nghèo thụ hưởng đầy đủ các chính sách.
Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế: Trên cơ sở chính sách về y tế cho người nghèo dân tộc thiểu số, nhân viên xã hội sẽ tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ cho họ tiếp cận chính sách về y tế một cách tốt nhất, từ việc đăng ký được cấp thẻ BHYT đảm bảo đúng tên tuổi, tư vấn trong việc quản lý và sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, hạn chế tình trạng một người nghèo nhiều thẻ BHYT. Ngoài ra, nhân viên xã hôi còn tư vấn cho họ khi có đau ốm nên đến khám ở các Trung tâm y tế và thực hiện điều trị theo sự hướng dẫn của y bác sỹ, trách xa các hủ tục cúng kính ma chay. Ngoài ra, nhân viên xã hội còn tư vấn cho người nghèo dân tộc thiểu số giám sát, đánh giá chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế đối với việc khám chữa bệnh cho người nghèo, người nghèo DTTS.
Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ về nhà ở, đất sản xuất: Trên cơ sở chính sách về nhà ở cho người nghèo dân tộc thiểu số, nhân viên xã hội sẽ tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ cho họ tiếp cận chính sách về nhà ở, tư vấn cho họ về tính ưu việt của chính sách nhà và những đóng góp của gia đình như: tư vấn cho gia đình kết nối với Ngân hàng chính sách để vay thêm nguồn vốn để xây dựng căn nhà kiên cố hơn. Mặt khác tư vấn cho họ vệ sinh nhà cửa và khuông viên sinh sống, sắp xếp trang trí trong nhà sạch đẹp và gọn gàng. Ngoài ra, nhân viên xã hội còn kết nối, tư vấn và tham gia góp ý cho các cơ quan chức năng trong việc qui hoạch, xây dựng Đề án hỗ trợ cho người nghèo dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện sống của họ, giúp cho Đề án thành công, khi xây dựng xong, người nghèo dân tộc thiểu số đến ở và cảm thấy phù hợp với họ, hạn chế tình trạng xây dựng nhà cho người nghèo nhưng không phù hợp với phong tục, tập quán của họ dẫn đến họ không đến ở, bỏ hoang.
Bên cạnh đó, nhân viên xã hội phản ảnh với các cơ quan chức năng nhằm giúp họ tăng cường chỉ đạo việc hỗ trợ giải quyết đất sản xuất cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số trên cơ sở thu hồi đất sử dụng không hiệu quả của các nông, lâm trường để cấp cho đối tượng, thực hiện khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng, giao đất trồng rừng sản xuất bảo đảm hộ dân sinh sống bằng nghề nông - lâm nghiệp đủ đất sản xuất. Đồng thời vận động người nghèo DTTS chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi, học nghề, tham gia làm việc trong các doanh nghiệp, xuất khẩu lao động để tạo nguồn thu nhập mới cho hộ gia đình.
 Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ vệ sinh môi trường, văn hóa, tư pháp: Nhân viên xã hội với kiến thức và kỹ năng của mình sẽ cùng với chính quyền địa phương vận động người dân nói chung và người nghèo dân tộc thiểu số nói riêng tự lực, tự cường trong việc bảo vệ môi trường sống như: thường xuyên vệ sinh buôn làng, qui hoạch nhà ở và khu chăn nuôi phù hợp với từng gia đình nhằm bảo vệ môi trường sống cho cả làng. Hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, mà trong đó có hộ nghèo.
Về văn hóa, giúp họ duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, thông qua việc thường xuyên giúp họ tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, nhằm cố kết tính cộng đồng và bảo vệ các di sản văn hóa. Mặt khác, tư vấn giúp họ tránh xa các hủ tục lạc hậu, mê tin dị đoan và  không nghe theo lời xúi dục của các thế lực thù địch nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngoài ra, nhân viên xã hội còn giúp người nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận với các qui định của Pháp luật, giúp họ hiểu và thực hiện đúng trách nhiệm của người công dân, không vi phạm các qui định của nhà nước về bảo vệ môi trường, không chặt phá rừng làm nương rẫy, không sinh nhiều con….để từ đó giúp họ có một kiến thức cơ bản về pháp luật.
          Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ thông tin liên lạc, truyền thông: Người nghèo dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin, nhân viên xã hội là người hỗ trợ họ tiếp cận các thông tin, từ đó tư vấn cho họ những thông tin chính thống để họ có một nhận thức thật đúng đắn, trách nghe các thông tin bịa đặt làm ảnh hưởng đến lòng tin của họ đối với Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, qua các kênh thông tin, nhân viên xã hội còn giúp người nghèo dân tộc thiểu số xác định được kế hoạch làm ăn của gia đình, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, biết cách làm kinh tế, biết cách tích lũy và làm giàu, không cam chịu  nghèo đói, lạc hậu.
 Hỗ trợ lồng ghép, gắn kết các nguồn vốn thuộc hợp phần hỗ trợ sản xuất cho người nghèo DTTS nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng: Nhân viên xã hội hỗ trợ cùng các cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo gắn kết, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo dân tộc thiểu số theo hướng lập dự án nhằm phát huy các nguồn vốn, hạn chế tình trạng manh mún, nhỏ lẽ, không tập trung kém hiệu quả, người nghèo dân tộc thiểu số ỷ lại, trông chờ. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện gắn kết, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm kết quả thoát nghèo bền vững trên địa bàn.
Hình thức và nguyên tắc gắn kết, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ bảo đảm đúng mục tiêu, tiêu chí, định mức, cơ chế của từng nguồn vốn của Nhà nước để hỗ trợ vốn phát triển sản xuất đối với hộ nghèo DTTS. Gắn kết, lồng ghép từ 02 nguồn vốn trở lên trên 01 địa bàn xã (không nhất thiết phải đầy đủ 04-05 nguồn vốn mới thực hiện gắn kết, lồng ghép hoặc có nguồn vốn của Dự án nhân rộng mô hình thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thì mới thực hiện gắn kết, lồng ghép). Gắn kết, lồng ghép được thực hiện ngay sau khi có kế hoạch giao chỉ tiêu và ngân sách hàng năm.
Nhân viên xã hội làm cầu nối giữa các cơ quan chức năng nhằm gắn tín dụng với các nguồn vốn khác để nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả và các dự án khuyến nông - khuyến lâm cho người nghèo dân tộc thiểu số và đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội có cơ chế xử lý các khoảng vay không trả được do rủi ro thiên tai gây ra để người nghèo DTTS được tiếp tục vay vốn, đầu tư sản xuất.
NVXH khuyến nghị với cơ quan chức năng tăng cường công tác khuyến nông - khuyến lâm đi sâu vào việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ về giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình của từng địa phương cấp xã, tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho người nghèo DTTS, chú trọng xây dựng vùng chuyên canh gắn với xây dựng cơ sở chế biến nông sản tại chỗ để thu mua và nâng cao giá trị sản phẩm của người nghèo DTTS làm ra. Đồng thời, tổ chức tổng kết các mô hình làm kinh tế giỏi, các cách tổ chức, triển khai chương trình giảm nghèo ở các vùng ”lõi” nghèo để nhân ra diện rộng. Trong đó nhân rộng mô hình luân chuyển vốn hỗ trợ sản xuất cho người nghèo DTTS. Mô hình này thực hiện theo qui trình, đó là: Kế hoạch được công khai minh bạch, giao cho xã làm chủ; Các hộ dân tham gia họp thôn và bình xét hộ nghèo tham gia dự án; Cam kết của các hộ dân sẽ hoàn trả khoản vay trong vòng 3 năm và trong khoảng thời gian đó sẽ không tự ý sử dụng sai mục đích; Được tập huấn kỹ thuật; Được tự chọn cây, con giống phù hợp; Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay thêm số tiền bằng số tiền dự án hỗ trợ để sản xuất, chăn nuôi. Xây dựng được bản quy chế và có hệ thống theo dõi, giám sát tại cộng đồng.
 Hỗ trợ kỹ năng đối thoại chính sách giảm nghèo cho người nghèo DTTS:  Với mục đích và ý nghĩa của việc đối thoại, nhân viên xã hội là người đứng ra vận động và tổ chức các cuộc đối thoại giữa các cơ quan cung cấp, các dịch vụ cho người nghèo dân tộc thiểu số và người nghèo. Qua việc đối thoại này nhằm làm cho người nghèo dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn các chính sách mà mình đang thụ hưởng cũng như tính ưu việt của các chính sách của Đảng và nhà nước ưu tiên cho người nghèo dân tọc thiểu số. Mặt khác giúp cho các cơ quan cung cấp dịch vụ, chính sách cho người nghèo nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người nghèo DTTS để từ đó điều chỉnh chính sách và thực hiện chính sách được hiệu quả hơn, trách trường hợp chính sách không hiệu quả, manh mún. Bên cạch đó, qua đối thoại giúp cho người nghèo dân tộc thiểu số và cán bộ thực hiện chính sách có dịp gần gũi, đồng cảm và hiểu nhau hơn, làm cho mối quan hệ giữa người thực hiện chính sách và người được hưởng chính sách được thắt chặt… từ đó chính sách sẽ hiệu quả hơn.
 Hướng dẫn người nghèo dân tộc thiểu số một số kỹ năng tự chăm sóc gia đình, biết tích lũy và vươn lên thoát nghèo. Kỹ năng tự chăm sóc gia đình được thực hiện thông qua các giai đoạn nhằm giúp cho người nghèo dân tộc thiểu số khi tham gia sẽ tạo ra sự thay đổi. Hỗ trợ cách thức phát triển cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghèo DTTS thoát nghèo:
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 24 tháng 8 năm 2016 của Tỉnh ủy Kon Tum về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Song hành với thực hiện các chính sách cho người nghèo DTTS theo hướng hỗ trợ có tập trung thì cần đẩy mạnh các hoạt động của công tác xã hội nhằm cung cấp các dịch vụ để người nghèo dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách một cách tốt nhất. Đó chính là điều kiện “cần” và “đủ” đề người nghèo dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.  
          Description: D:\Văn bản 2016\Dự án PRPP\Hinh Du an\Hình rửa\20140825_100457.jpg   
Đối thoại chính sách với người nghèo dân tộc thiểu số tại xã ĐăkRuồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum

                                                                                    Bài viết và ảnh: Nguyễn Trung Thuận

Số lượt xem:2304

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


581009 Tổng số người truy cập: 2900 Số người online:
TNC Phát triển: