banner
Chủ nhật, ngày 19 tháng 1 năm 2025
Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2-4-2018

Các huyện, thành phố tuyển chọn đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo cấp xã bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn có 01 CTV do phòng Lao động-TB&XH cấp huyện quản lý, theo dõi; thực hiện theo cơ chế, chức năng, nhiệm vụ,chế độ làm việc và chi trả phụ cấp quy định tại Quyết định số 29/QĐ-UBND, ngày 16/01/2017 của UBND tỉnh Kon Tum.

Đội ngũ CTV trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của tất cả các tổ chức hội đoàn thể trong hệ thống chính trị tại cơ sở, trong đó có 15 CTV thuộc Hội Nông dân, 27 CTV thuộc Đoàn thành niên, 24 CTV thuộc Hội phụ nữ, 05 CTV thuộc Hội Cựu chiến binh, 04 CTV thuộc Hội Chữ thập đỏ, 12 CTV thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Còn 15 CTV là các thành phần không thuộc các tổ chức hội đoàn thể tại xã. Ngoài ra, đội ngũ CTV có sự tham gia của cán bộ nữ, cán bộ thuộc dân tộc thiểu số và đã qua đào tạo chuyên môn như: có 57 CTV là nữ, chiếm 55,9%; 54 CTV thuộc dân tộc thiểu số, chiếm 52,9%; 57% CTV có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (gồm: 35% CTV có trình độ đại học, cao đẳng, 22% CTV có trình độ trung cấp). Đội ngũ CTV cơ bản đã tích cực có các hoạt động thiết thực, có trách nhiệm, hỗ trợ cán bộ làm công tác Lao động-TB&XH cấp xã trong công tác giảm nghèo, giúp UBND cấp xã và phòng Lao động-TB&XH cấp huyện trong công tác tổ chức triển khai, giám sát và đánh giá công tác giảm nghèo tại cơ sở đảm bảo tiến độ, hiệu quả được nâng cao.

(Tác giả tại Hội thảo tham vấn nhiệm vụ Cộng tác viên giảm nghèo cấp xã được tổ chức tại thành phố Kon Tum ngày 27/3/2018)

Song bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:Phòng Lao động- TB&XH cấp huyện còn lúng túng, chưa xác định đúng nhiệm vụ CTV để thực hiện phân công nhiệm vụ hàng tháng; còn chồng chéo nhiệm vụ khi thực hiện giữa nhiệm vụ CTV và cán bộ Lao động-TB&XH cấp xã; thiếu báo cáo đánh giá công tác quản lý, theo dõi các hoạt động của CTV theo nhiệm vụ được giao định kỳ.Một số huyện, thành phố còn tình trạng hợp đồng CTV không đúng quy định, không thuộc tổ chức hội đoàn thể, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cơ sở trong tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch giảm nghèo của địa phương. Một số UBND cấp xã chưa phối hợp, tạo điều kiện cho CTV tham gia vào các hoạt động triển khai các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tại địa phương. CTV và cán bộ Lao động-TB&XH cấp xã thiếu sự phối hợp trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ... ; có nơi còn tình trạng đùn đẩy công việc, gây trùng lắp hoặc bỏ sót khi thực hiện nhiệm vụ, đôi lúc cản trở lẫn nhau trong thực hiện các hoạt động giảm nghèo trong điều kiện lực lượng cán bộ làm công tác giảm nghèo tại xã, phường, thị trấn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tăng cường cho cơ sở nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên từng địa bàn thôn, xã, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh. CTV chưa tiếp cận sâu sát đời sống của cộng đồng, kịp thời phát hiện các sai sót khi thực hiện chính sách giảm nghèo, còn tình trạng cán bộ trục lợi cá nhân từ hộ nghèo; chưa chủ động đề xuất nhiệm vụ để giải quyết các khó khăn tại cộng đồng, chưa lồng ghép nhiệm vụ hội, đoàn thể và nhiệm vụ CTV hợp lý, còn chồng chéo.Các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện khi kiểm tra tình hình thực hiện Đề án giảm nghèo tại cơ sở chưa quan tâm kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của đội ngũ CTV nhằm phát huy ưu điểm, đề xuất giải pháp khắc phục các hạn chế, thiếu sót tại địa phương kịp thời.

(Đại biểu dự Hội thảo tham vấn nhiệm vụ Cộng tác viên giảm nghèo cấp xã được tổ chức tại thành phố Kon Tum ngày 27/3/2018)

Để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ CTV giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo trong thời gian đến, cần tập trung vào một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là: Các tổ chức hội, đoàn thể cấp tỉnh quan tâm, gắn nội dung tham gia đội ngũ CTV của thành viên thuộc tổ chức hội đoàn thể cấp xã do đơn vị phụ trách vào chỉ tiêu thi đua hàng năm của tổ chức hội đoàn thể để đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức tại cơ sở.

Hai là: Tổ chức tập huấn kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm công tác giảm nghèo cho đội ngũ CTV hàng năm.

Ba là: Phòng Lao động-TB&XH các huyện, thành phố cần tập trung: Tăng cường công tác quản lý, theo dõi đội ngũ CTV theo hình thức hợp đồng công việc; có báo cáo đánh giá hoạt động theo quy định. Thực hiện hợp đồng với CTV theo hướng chú trọng tuyển chọn cán bộ được đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên, có trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của CTV tại cơ sở. Khẩn trương chấn chỉnh tình trạng hợp đồng CTV không đúng quy định, không thuộc tổ chức hội đoàn thể, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cơ sở trong tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch giảm nghèo của địa phương.

Bốn là: UBND cấp xã quán triệt cán bộ Lao động-TB&XH phối hợp đồng bộ, tích cực trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ... với CTV trên địa bàn; khắc phục tình trạng đùn đẩy, trùng lắp hoặc bỏ sót khi thực hiện công tác giảm nghèo.

Năm là: Các ngành, các cấp, các tổ chức hội đoàn thể tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của đội ngũ CTV. Đội ngũ CTV chủ động, sắp xếp công việc khoa học để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ CTV giảm nghèo.

Sáu là: Thực hiện đầy đủ và cụ thể các nhiệm vụ cụ thể của CTV giảm nghèo tại cơ sở. Từng CTV giảm nghèo phải nắm vững và thực hiện tốt 6 nhiệm vụ đã được xác định trong Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020, cụ thể:

- Thu thập, tiếp nhận thông tin, yêu cầu trợ giúp của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn để báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND cấp xã, công chức văn hóa-xã hội cấp xã có hướng giải quyết: Tiếp xúc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (viết tắt là hộ), nắm rõ nguyên nhân và nhu cầu cần trợ giúp của hộ. Ghi nhận các ý kiến, thắc mắc, nguyện vọng,… của hộ về nhu cầu cần trợ giúp như: hỗ trợ phát triển sản xuất, trợ giúp sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho hộ và mức độ thiếu hụt một số nhu cầu cơ bản về y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin thông qua các chỉ số đo lường (gồm tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin). Kịp thời phản ánh thông tin thu thập và các kiến nghị (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho công chức văn hóa- xã hội cấp xã (công chức làm công tác Lao động- TB&XH cấp xã) về nội dung thu thập được khi tiếp xúc cụ thể, chi tiết và đề xuất, kiến nghị hỗ trợ, trợ giúp cho hộ phù hợp nhất. Đồng thời gửi cho phòng Lao động- Thương binh và Xã hội cấp huyện giám sát, kiểm tra và nắm bắt tình hình. Theo dõi hướng giải quyết của UBND cấp xã đối với đề xuất, kiến nghị đã nêu trong văn bản kiến nghị của mình. Giám sát việc thực hiện của UBND cấp xã. Báo cáo kết quả thực hiện của UBND cấp xã cho phòng Lao động- Thương binh và Xã hội cấp huyện và thông tin đến hộ kết quả các đề xuất, kiến nghị hỗ trợ, trợ giúp đã được cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết để hộ biết và thụ hưởng.

          - Theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình hộ phát sinh nghèo, cận nghèo hoặc thoát nghèo trong năm, đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện hoặc các biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp: Nắm chắc nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và các văn bản có liên quan. Tiếp cận cộng đồng, thu thập thông tin. Kịp thời phát hiện các hộ có đời sống khó khăn do các nguyên nhân như: Chịu hậu quả của các rủi ro, biến cố đột xuất trong năm, bao gồm: thiên tai (hạn hán, lũ lụt, bão, giông lốc,…); môi trường bị ô nhiễm nặng; tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bệnh tật nặng; gặp rủi ro về kinh tế (chịu thiệt hại nặng về các tài sản chủ yếu như nhà ở, công cụ sản xuất, mất đất sản xuất, mất mùa, dịch bệnh); gặp rủi ro về xã hội (bị lừa đảo, là nạn nhân của tội phạm); Có biến động về nhân khẩu trong hộ gia đình (như sinh con, có thêm con dâu (rể) về nhà, bộ đội xuất ngũ trở về gia đình, có thành viên đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình bị chết và các trường hợp biến động khác về nhân khẩu gây các tác động khó khăn đến điều kiện sống của hộ gia đình). Hướng dẫn hoặc trợ giúp hộ có đời sống khó khăn làm giấy đề nghị xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo mẫu) gửi UBND cấp xã để tổ chức bình xét theo quy trình. Phát hiện các hộ điều kiện kinh tế thuộc loại trung bình so với các hộ khác trong cộng đồng, vận động, khuyến khích hộ làm giấy đề nghị xét duyệt thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo mẫu) gửi UBND cấp xã để tổ chức bình xét theo quy trình. Báo cáo phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện kết quả theo dõi, đề xuất của CTV và kết quả trợ giúp của UBND xã.

          - Tham gia phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo; trực tiếp trợ giúp, hướng dẫn, tư vấn, tham vấn thành lập cộng đồng tự quản, nhóm hộ tự quản tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và cam kết sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước có hiệu quả: Tham gia với tư cách thành viên Đoàn kiểm tra tại cấp xã kiểm tra việc thực hiện các nội dung hỗ trợ cho hộ từ các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo đang triển khai ở xã. Trực tiếp trợ giúp, hướng dẫn, tư vấn, tham vấn cho cộng đồng hộ nghèo, nhóm hộ nghèo thành lập các cộng đồng tự quản, các nhóm hộ tự quản khi tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo như thành lập tổ/nhóm/ ..(tên tổ/nhóm/..do cộng đồng/nhóm hộ đặt, phù hợp với địa phương), quy chế hoạt động,.. trình UBND xã phê duyệt theo quy định.Báo cáo phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện kết quả tham gia, kết quả trợ giúp, hướng dẫn, tư vấn, tham vấn thành lập cộng đồng tự quản, nhóm hộ tự quản.

          - Tham gia kiểm tra, giám sát, rà soát và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn: Tham gia kiểm tra, giám sát, rà soát kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn khi do các tổ chức, cá nhân thực hiện trên địa bàn khi được mời làm thành viên. Báo cáo kết quả tham gia cho phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện cấp huyện (mẫu báo cáo do phòng soạn thảo để thống nhất và cung cấp cho CTV).

          - Tham gia các cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo do cấp trên tổ chức tại địa bàn (nếu có) và tập huấn nghiệp vụ công tác giảm nghèo:Giám sát việc thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo cuối năm trên địa bàn: công tác tổ chức họp dân; niêm yết danh sách hộ nghèo, cận nghèo công khai; giải quyết khiếu nại, thắc mắc. Hướng dẫn nghiệp vụ công tác giảm nghèo cho cán bộ thôn, đoàn thể,… khi cần thiết hoặc theo đề nghị của UBND xã. Báo cáo phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện kết quả thực hiện quy trình, khiếu nại,… trên địa bàn.

          - Tham gia các hoạt động truyền thông về giảm nghèo, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, nhất là các dự án hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất tại cộng đồng:Phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật về giảm nghèo cho nhân dân trong các cuộc họp do hội, đoàn thể tổ chức. Phát hiện, giới thiệu gương tốt từ các hộ thoát nghèo tiêu biểu, các cách làm giảm nghèo hiệu quả…để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại xã. Vận động các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ chức khác lồng ghép nguồn lực hỗ trợ cho các dự án hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất tại cộng đồng. Đề xuất các cơ chế, chính sách, hình thức giúp đỡ,... trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các chính sách, chế độ thuộc các dự án, chương trình,…hỗ trợ hộ nghèo hoặc các nguyện vọng chính đáng của hộ nghèo để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Báo cáo phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện kết quả triển khai thực hiện./.

Tin: Trung Thuận

Số lượt xem:1971

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


580755 Tổng số người truy cập: 1023 Số người online:
TNC Phát triển: