Tham dự hội nghị có các đồng chí: Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; Thường trực Huyện, Thành ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND và UBMTTQVN các huyện, thành phố; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan; UBND các xã, phường, thị trấn tại điểm cầu các huyện, thành phố; các tập thể và cá nhân được khen thưởng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí chủ trì nhấn mạnh: Trong 3 năm qua, nhiều giải pháp cụ thể được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện Đề án giảm nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế; quá trình thực hiện bộc lộ một số chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tế; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững…Vì vậy, hội nghị có nhiệm vụ đánh giá lại kết quả đạt được; thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, từ đó thảo luận, đề xuất những giải pháp cụ thể, phù hợp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu Đề án đặt ra.
Sau 03 năm, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 26.164 hộ, chiếm tỷ lệ 20,30% so với số hộ dân toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,56%/năm (từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 20,30% vào cuối năm 2017), đạt 101,71% so với kế hoạch Đề án. Trong 3 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 10.340 hộ. Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 24.236 hộ, chiếm tỷ lệ 36,21% so với số hộ dân dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,10%/năm (từ 46,57% vào cuối năm 2015 xuống còn 36,21% vào cuối năm 2017), đạt 125,9% so với kế hoạch Đề án. Trong 3 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 9.272 hộ. Thu nhập bình quân của hộ nghèo là 644 nghìnđồng/người/tháng, dự kiến đạt 122% so với mục tiêu tăng thu nhập bình quân hàng năm của hộ nghèo theo Nghị quyết đề ra.
Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao. Còn 03/10 huyện, thành phố chưa đạt kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo so với kế hoạch của Đề án. Có hiện tượng đã thoát nghèo nhưng chây ỳ không trả nợ; vẫn còn tình trạng một số hộ nghèo khi được đưa vào diện điều tra đã cố tình giấu tài sản gây khó khăn trong công tác điều tra. Bộ phận hộ nghèo người dân tộc thiểu số, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Việc bố trí nguồn vốn của một số chương trình cho vay tại một số thời điểm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của Nhân dân….
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Y Mửi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả đạt được sau 03 năm triển khai Đề án. Đây sẽ là động lực góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua giảm nghèo, cũng như ý thức tự giác, nỗ lực vượt khó của các hộ nghèo…Đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo đa chiều; triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; thực hiện tốt việc lồng ghép các chính sách có cùng mục tiêu; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thống nhất đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong công tác giảm nghèo, cụ thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức truyền thông phù hợp về các chính sách, dự án của Đề án giảm nghèo để các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể chỉ đạo triển khai công tác giảm hộ nghèo, kiên quyết khắc phục tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh hộ nghèo mới; Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của hộ nghèo; mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch; triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện…bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện. Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cao; sử dụng có hiệu quả đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo cấp xã, không chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ với đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã. Gắn kết thực hiện Đề án giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp tạo cho cơ sở chủ động từ khâu kế hoạch đến điều hành quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Đề án giảm nghèo. Thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực các chính sách có cùng mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động- việc làm,nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí đa chiều như y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, ưu tiên phát triển hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ và nước sinh hoạt. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy chế phối hợp trong việc thực hiện chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo; bảo đảm sử dụng đúng nguồn kinh phí đầu tư vùng nghèo, hỗ trợ hộ nghèo. Định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết đánh giá từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh để phát huy các mặt tích cực, khắc phục các khuyết điểm, hạn chế trong triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tỉnh trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo và có biện pháp hỗ trợ các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao trong thực hiện Đề án giảm nghèo.
Tin và ảnh: Nguyễn Hương
Một số hình ảnh về Hội nghị sơ kết Đề án giảm nghèo:
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị, phát biểu khai mạc Hội nghị
Đồng chí: Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đại diện các tập thể nhận Bằng khen của UBND tỉnh
Đại diện các cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh