Đề án có sự tham gia hỗ trợ trực tiếp của tổ chức Unicef Việt Nam và Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Dự kiến Trung tâm sau khi được thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo số liệu thống kê hiện nay số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được bảo vệ là 6.188 em chiếm 3,3% số trẻ em trong độ tuổi trong đó trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi 2.908 em; trẻ em khuyết tật, tàn tật 1.488 em; trẻ em tham gia lao động sớm 1.297 em; tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật ngày càng có chiều hướng phức tạp và gia tăng có 455 trẻ em vi phạm pháp luật; vấn đề xâm hại trẻ em nhất là xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Số xã phường, thị trấn xảy ra tình trạng xâm hại tình dục trẻ em là 41/97 xã, phường chiếm 42,2%... Từ những chỉ số sơ bộ cho thấy sự ra đời của Trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh là cần thiết nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khi cần cứu trợ khẩn cấp, cung cấp dịch vụ về gia đình, về tư pháp, chế độ bảo trợ xã hội, về bảo vệ trẻ em... Bởi lẽ phần lớn nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận với các dịch vụ và phúc lợi dành cho trẻ em điều này tạo nên sự bất bình đẳng về cơ hội được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ giữa nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo với các nhóm trẻ em khác.
Toàn cảnh hội thảo.
Tại Quyết định số 381/QĐ-UBND, ngày 27/4/2011 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015 đã đề cập đến việc thành lập Trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh khi đủ các điều kiện về cơ sở pháp lý, kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất, đây là cơ sở thuận lợi cho việc thành lập Trung tâm ở giai đoạn đầu. Dự kiến sau khi được thành lập, Trung tâm sẽ phân chia thành 2 giai đoạn để hoạt động: giai đoạn hoạt động thử nghiệm từ năm 2014-2017; giai đoạn 2 từ năm 2017-2020. Tỉnh Kon Tum là tỉnh được tổ chức Unicef Việt Nam quan tâm hỗ trợ về kinh phí, trang thiết bị vật chất và chuyên môn, kỹ thuật ở giai đoạn hoạt động thử nghiệm, tạo điều kiện tốt giúp cho Trung tâm vừa làm vừa rút kinh nghiệm đồng thời có những giải pháp phù hợp cho tiến trình phát triển của Trung tâm ở những năm tiếp theo. Theo ý kiến đánh giá của các Sở, ngành đối với việc thành lập Trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh, vấn đề cần quan tâm xem xét vẫn là địa điểm đặt trụ sở Trung tâm ở đâu là thích hợp để cho đối tượng dễ biết, dễ tiếp cận khi có nhu cầu vì đây là mô hình còn khá mới mẻ; cần phân định rõ ràng sự khác nhau giữa Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm công tác xã hội vì hiện nay còn không ít người còn chưa hiểu rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của hai Trung tâm này. Đội ngũ cán bộ tại trung tâm phải là cán bộ chuyên trách từ biên chế nhà nước, hạn chế đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm vì công tác này mang tính xã hội rất cao đòi hỏi sự thường xuyên và liên tục. Bên cạnh đó,công tác phối kết hợp giữa các ngành đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của Trung tâm, nó giúp cho công tác tư vấn, tham vấn được thực hiện một cách có tính chiều sâu và xuyên suốt. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của tổ chức Unicef Việt Nam cần có sự tham gia nguồn lực của địa phương nhằm gắn kết trách nhiệm và đảm bảo tính bền vững của Trung tâm, tránh tình trạng “sinh con bỏ chợ” giống như một số trung tâm, đơn vị, tổ chức khác.