banner
Thứ 7, ngày 26 tháng 4 năm 2025
Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 01/01/2025
21-11-2024
Ngày 01/11/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (gọi tắt là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện)

Ảnh. Minh họa
 
Nghị định này quy định chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho người lao động từ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động). Nội dung chính của Nghị định bao gồm:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng: Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chế độ này.

2. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động:
- Người lao động được trợ cấp tai nạn lao động khi bị suy giảm từ 5% khả năng lao động trở lên.
- Trợ cấp gồm khoản trợ cấp một lần tùy theo mức độ suy giảm và thời gian đóng bảo hiểm. Thân nhân người lao động tử vong do tai nạn lao động cũng được hưởng trợ cấp một lần.

3. Nguyên tắc quản lý hoạt động của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện: Quỹ này thuộc Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Quỹ bảo hiểm xã hội và được  được hạch toán độc lập. Mức đóng bảo hiểm tính dựa trên lương tối thiểu vùng IV, với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động và thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

4. Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

4.1. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, cụ thể như sau:

a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;

b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn;

c) Bằng 10% đối với người lao động khác.

4.2. Phương thức hỗ trợ: Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng phần trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy nhiệm theo quy định của pháp luật;

4.3.  Kinh phí hỗ trợ tiền đóng cho người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

5. Hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện: Nghị định quy định rõ hồ sơ, trình tự đăng ký tham gia, điều tra tai nạn lao động và trình tự giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

6. Quyền của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

- Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Nghị định này.

- Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.

- Nhận chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:

+ Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;


Thông qua tài khoản thanh toán của người lao động mở tại ngân hàng.

Ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Được cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

Được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định tại Nghị định này.

Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

7. Trách nhiệm của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

- Đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định của Nghị định này.

- Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

- Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, góp phần mở rộng phạm vi bảo vệ và hỗ trợ an toàn cho người lao động không có hợp đồng lao động, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội.

Xem nội dung chi tiết Nghị định số 143/2024/NĐ-CP: Tại đây 
                   Tổng hợp: Thời Nguyễn
Số lượt xem:217

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


669201 Tổng số người truy cập: 1704 Số người online:
TNC Phát triển: