banner
Thứ 2, ngày 20 tháng 1 năm 2025
Giải pháp thực hiện có hiệu quả các kết luận sau thanh tra trong ngành Lao động – TB&XH tỉnh.
13-4-2018

          Các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật , góp phần giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực ngành Lao động – TB & XH. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Bộ Lao động – TB & XH, UBND tỉnh, Thanh tra bộ và Thanh tra tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương cũng như sự nỗ lực của cán bộ, công chức Thanh tra Sở trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

          Chỉ tính riêng năm 2017, Thanh tra Sở đã tiến hành 03 cuộc thanh tra tại Phòng Lao động – TB&XH huyện Tu Mơ Rông, Đăk Hà và Kon Plông về thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác bảo trợ xã hội và quản lý sử dụng các loại quỹ. Qua thanh tra, thu hồi tiền chi sai chế độ chính sách đề nghị nộp vào ngân sách nhà nước năm 2017 và thu hồi chi sai chế độ năm 2014-2015 chuyển sang năm 2017 với số tiền là 53.624.268 đồng. Tổ chức 01 cuộc thanh tra công tác đào tạo nghề cho Lao động nông thôn tại Trung tâm GDNN-GDTX Đăk Tô. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều tồn tại, sai sót cần khắc phục. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở đã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 52/QĐ-UBND, ngày 24/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 60 doanh nghiệp; Tham gia với Liên đoàn Lao động tỉnh, BHXH tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật Lao động, Luật công đoàn tại 12 doanh nghiệp và 10 đơn vị hành chính sự nghiệp; Tham gia với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Chi cục thuế các huyện, thành phố kiểm tra tại 13 doanh nghiệp; Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn Lao động, vệ sinh Lao động lần thứ 1 năm 2017, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra tại 15 doanh nghiệp. Qua thanh kiểm tra, đã xử phạt các Công ty vi phạm các qui định của Luật Lao động, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

          Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác thanh tra chỉ mới chú trọng khâu phát hiện, kiến nghị, xử lý sai phạm, việc bảo đảm thực thi kết luận sau thanh tra chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và triển khai đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau thanh tra được xử lý như thế nào. Theo báo cáo của Thanh tra Sở và kết quả phản ánh của Phòng Lao động – TB & XH các huyện, thành phố cho thấy, hiệu quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra còn thấp, tỷ lệ thu hồi không cao, không triệt để, còn tình trạng để sót nhiệm vụ so với các kiến nghị trong các kết luận thanh tra. Việc thực hiện các kiến nghị khác trong các kết luận thanh tra cũng chiếm tỷ lệ không cao. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác thanh tra.

          Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân trong nội tại hoạt động và kết quả hoạt động của Thanh tra Sở, như việc xác định nội dung, đối tượng thanh tra; chất lượng hoạt động thanh tra, báo cáo, kết luận thanh tra; việc đôn đốc, theo dõi việc xử lý sau thanh tra. Có nguyên nhân thuộc về khách quan, như trách nhiệm, ý thức tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra của các tổ chức các nhân; ý thức chấp hành của đối tượng thanh tra; việc giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra của các cơ quan chuyên môn,… Trong đó, cụ thể là do một số nơi, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị của đối tượng thanh tra chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các cá nhân, tổ chức có sai phạm thực hiện nghiêm kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, Việc theo dõi sau thanh tra còn nhiều khó khăn. Việc thu hồi về hưởng chế độ không đúng qui định đối tượng chậm thực hiện thì chưa có biện pháp xử lý cụ thể, triệt để; việc xử lý về kiểm điểm các cá nhân hoặc tập thể còn bị động, khó theo dõi. Chưa có biện pháp chế tài xử lý triệt để việc đối tượng thanh tra cố tình né tránh, chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra; nhiều nơi, nhất là ở cơ sở còn có hiện tượng thiếu kiên quyết xử lý, còn né tránh, ngại đụng chạm… Bên cạnh đó còn có hiện tượng đối tượng bị thanh tra tìm cách giải trình, khiếu nại vượt cấp…nhằm kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến việc xử lý sau thanh tra kết quả còn chậm, kéo dài nhiều năm không thực hiện được.

          Với những thuận lợi và khó khăn của công tác xử lý sau Thanh tra nêu trên, đòi hỏi cần có những giải pháp khắc phục cụ thể, nhằm làm cho Công tác Thanh tra của ngành thực sự đi vào cuộc sống. Vì vậy để thực hiện triệt để các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra, trong thời gian tới cần quan tâm tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

           Một là: Đối với các tổ chức, cá nhân được giao theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra: Sau khi có Kết luận Thanh tra, kịp thời có văn bản yêu cầu, đề nghị các tổ chức, cá nhân (đối tượng) bị Thanh tra nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận của Thanh tra; Hướng dẫn, đôn đốc họ thực thi kết luận thanh tra một cách thường xuyên, liên tục. Tránh bỏ sót các nội dung đã được kết luận và đề nghị sau thanh tra.

          Hai là: Đối với các tổ chức, cá nhân bị thanh tra và thực thi trách nhiệm sau thanh tra: Nghiêm túc thực thi các kết luận sau thanh tra. Quá trình khắc phục hậu quả cần thường xuyên thông tin, báo cáo về cơ quan ban hành kết luận thanh tra kết quả khắc phục của tổ chức, cá nhân mình. Trường hợp phát sinh vấn đề mới trong quá trình thực thi kết luận thì báo cáo về cơ quan ban hành kết luận để xem xét song vẫn phải nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra đến khi cơ quan ra kết luận thanh tra có văn bản điều chỉnh hoặc bổ sung thì mới dừng hoặc thực hiện mới theo văn bản sau cùng.

          Ba là: Về cơ chế phối hợp thực thi các kết luận sau thanh tra: Quá trình thực thi các kết luận sau thanh tra cần quan tâm đến công tác phối hợp. đó là phối hợp ngang giữa các cơ quan được phân công theo dõi thực hiện các kết luận sau thanh tra; phối hợp dọc (Cơ quan ra kết luận – người thực thi kết luận – người chấp hành kết luận ), giữa người bị thanh tra và người thực thi kết luận sau thanh tra trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật, có sự hỗ trợ, tư vấn, thông tin, trao đổi trong quá trình thực thi kết luận sau thanh tra. Cơ chế đó thể hiện giữa các phòng chuyên môn thuộc Sở với Phòng Lao động – TB & XH các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân được thanh tra. Để hoạt động sau thanh tra được diễn ra thuận lợi, có hiệu quả thì việc đổi mới, tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan có liên quan là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả.

          Bốn là: Phát huy vai trò của tổ chức đảng, vai trò của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong việc thực thi các kết luận sau thanh tra. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nhằm thực hiện tốt các kết luận sau thanh tra là công tác quan trọng. Từ đó có kế hoạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận sau thanh tra. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện chậm hoặc thực hiện không triệt để các kết luận, quyết định thanh tra. Trực tiếp kiểm tra, xem xét trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu các đơn vị sai phạm trong việc chỉ đạo, thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra. Định kỳ hàng tháng nắm tình hình và trực tiếp nghe báo cáo kết quả thực hiện các kết luận sau thanh tra . Đồng thời chỉ đạo các cơ quan thuộc cấp theo chức năng, nhiệm vụ của mình để giám sát việc thực hiện các kết luận, quyết định sau thanh tra một cách hiệu quả nhất.

          Mặt khác, để công tác xử lý sau thanh tra đạt kết quả tốt đòi hỏi Thanh tra Sở cần phối hợp với phòng chuyên môn thường xuyên giữ mối liên hệ và thông tin với cấp ủy đảng, chính quyền của những đơn vị có sai phạm để đôn đốc thực thi các kết luận sau thanh tra tốt nhất, đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và vai trò quản lý nhà nước của ngành.

          Năm là: Vận dụng kỹ năng mềm (kỹ năng CTXH) trong quá trình đôn đốc thực thi các kết luận sau thanh tra đối với những trường hợp chây lì, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Hoặc tư vấn, trao đổi, trợ giúp cho họ khi họ chưa hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi thực thi kết luận sau thanh tra.

          Sáu là: Về lâu dài, cần nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra: Trên thực tế, việc bắt buộc các đối tượng liên quan thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau thanh tra là rất khó, bởi vì sau khi có kết luận thanh tra việc thi hành kết luận thanh tra chủ yếu phụ thuộc vào thủ trưởng cơ quan quản lý và ý thức chấp hành của đối tượng thanh tra. Để nâng cao chất lượng việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, về phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra phải có sự độc lập và khách quan, công tâm trong việc xem xét, xử lý các kiến nghị sau kết luận thanh tra; Phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến rộng rãi các qui định của pháp luật đến các đối tượng thanh tra và các bên liên quan để các tổ chức, cá nhân có sự hiểu biết phạm vi, quyền hạn, lợi ích và trách nhiệm của mình khi thực hiện các Kết luận thanh tra; Làm tốt công tác hỗ trợ, đối thoại giải đáp kịp thời các khó khăn vướng mắc về pháp luật cho các tổ chức, cá nhân để họ tự nguyện tuân thủ đúng pháp luật. Tăng cường kiểm tra đôn đốc của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới, thường xuyên tiến hành kiểm tra theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm. Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra cần nâng cao nhận thức, thể hiện trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra.

          Bảy là: Phải gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra với công tác xử lý sau thanh tra; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra với những biện pháp cụ thể như: Việc lập các Biên bản trong quá trình thanh tra phải chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, căn cứ để phục vụ trong quá trình kết luận; việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra phải đảm bảo chất lượng cao; phải nhận xét đúng, sai so với quy định của pháp luật; đồng thời phải đề xuất, kiến nghị đúng quy định của pháp luật, có tình, có lý, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi; mặt khác, đoàn thanh tra cũng phải chú ý, xem xét, lắng nghe đến ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra và của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là những ý kiến tham gia của các ngành có chuyên môn sâu; kết luận thanh tra phải đảm bảo sự chính xác, khách quan, tránh sự áp đặt, miễn cưỡng; kiến nghị phải đúng quy định của pháp luật và có tính khả thi; nội dung kiến nghị phải nêu rõ: cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm thực hiện và thời hạn thực hiện. Mặt khác,để việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra được thực hiện nghiệm túc và triệt để, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngoài những nỗ lực thực hiện các giải pháp trên của Thanh tra ngành Lao động – TB & XH, thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng chí Giám đốc Sở và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

          Tám là: Quan tâm nâng cao trách nhiệm của công chức thực thi công vụ sau Thanh tra. Tránh trường hợp thực hiện các nhiệm vụ sau thanh tra theo quan điểm “duy tình”, thực hiện không triệt để. Bên cạnh đó cần quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra của ngành, vì: Nhân tố chủ yếu tác động đến kết quả của hoạt động thanh tra chính là nhân tố con người làm công tác thanh tra, bao gồm phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm của công chức thanh tra. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức Thanh tra Sở để có phẩm chất đạo đức, kỹ năng... để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

          Chín là: Có cơ chế xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân chây lì, cố ý không chấp hành các kết luận sau thanh tra: Nếu theo thời gian quy định và đã được nhắc nhỡ nhiều lần theo qui định của Luật thanh tra mà các đơn vị sai phạm không thực thi các kết luận thanh tra thì cơ quan thanh tra làm giấy mời lên để làm việc. Nếu tiếp tục chây lì, không thực thi thì chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để điều tra theo các qui định của pháp luật.

          Có thể nói, hoạt động thanh tra có vị trí quan trọng trong hoạt động quản lý của ngành và là một bộ phận không thể tách rời của công tác lãnh đạo trong toàn ngành. Vì vậy, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra đang là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết của ngành trong giai đoạn hiện nay, trong đó việc thực thi có hiệu quả các kết luận sau thanh tra có vai trò hết sức quan trọng, quyết định hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra của ngành. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách nền hành chính theo hướng phục vụ nhân dân, phục vụ đối tượng thì việc thực hiệt triệt để các kết luận sau thanh tra là việc làm quan trọng và cần thiết, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành./.                                                                                     

Bài viết: N.T.T

Số lượt xem:4068

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


580832 Tổng số người truy cập: 1983 Số người online:
TNC Phát triển: