banner
Thứ 3, ngày 21 tháng 1 năm 2025
Hỗ trợ hộ nghèo cần có “cam kết” thoát nghèo
28-3-2014

 

Có 2 ha mì, gia đình lại có đến 4 lao động chính - mỗi ngày có thể có thu nhập từ việc đi làm thuê khoảng 400.000-500.000 đồng - nhưng hộ A Dốc ở làng Chứ, xã YaLy (huyện Sa Thầy) sau 1 năm thoát nghèo (năm 2012) đã tái nghèo (năm 2013). Chuyện thoát nghèo rồi tái nghèo của A Dốc cho thấy việc thoát nghèo nằm trong “tầm tay” của hộ gia đình này nhưng vì thiếu sự nỗ lực nên cái nghèo vẫn đeo bám.
Chuyện của ông A Dốc cũng là trường hợp của rất nhiều trong tổng số 790 hộ tái nghèo trong 2 năm (năm 2012-2013) trên địa bàn tỉnh. Từ câu chuyện của A Dốc cho thấy việc nâng cao nhận thức của người nghèo đối với công tác giảm nghèo rất quan trọng. Một khi suy nghĩ, nhận thức còn hạn chế, việc lập kế hoạch chi tiêu chưa hợp lý, cách thức giảm nghèo chưa phù hợp thì rất cần sự hỗ trợ từ phía các cấp chính quyền trong việc giúp người nghèo thoát nghèo.
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2008-2013, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua việc hỗ trợ bò giống sinh sản đã được triển khai theo hình thức mới, không cho không vốn cho hộ nghèo mà là một hình thức hỗ trợ có cam kết, nghĩa là người nghèo được hỗ trợ vốn nuôi bò sinh sản nhưng phải có cam kết: sử dụng vốn đúng mục đích, trả vốn trong vòng 3 năm và thoát nghèo, tạo cho người nghèo có trách nhiệm, nâng cao ý thức khi sử dụng nguồn vốn để giảm nghèo.
Tính từ năm 2008 đến nay, Kon Tum đã triển khai thực hiện 19 Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng, với 460 hộ nghèo được hỗ trợ, trong đó có 445 hộ nghèo hỗ trợ năm đầu tiên và 15 hộ nghèo hỗ trợ từ luân chuyển vốn. Hiện, đã có 8 dự án hoàn thành chu kỳ trong thời gian 3 năm. Về hiệu quả kinh tế, đã có 105 hộ nghèo có thu nhập tăng thêm hàng năm; kinh phí hộ nghèo trả cho Dự án theo cam kết là 145 triệu đồng; có 53 hộ thoát nghèo bền vững (thu nhập bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn 150% so với theo chuẩn hộ nghèo). Điều đặc biệt là mức độ thất thoát vốn hỗ trợ ban đầu của Dự án là rất thấp; giai đoạn 2008-2012 với tổng kinh phí dự án 500 triệu đồng, kinh phí thiệt hại chỉ 64 triệu đồng, do trong quá trình chăn nuôi gặp dịch bệnh.
Theo ông Lê Phúc Ánh – Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH),  Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo sau khi kết thúc được đánh giá mang lại rất nhiều ưu điểm, khắc phục được những nhược điểm mà các dự án dành cho người nghèo lâu nay đã triển khai: đáp ứng được việc thực hiện các chính sách xã hội một cách tiến bộ và công bằng đó là người nghèo nào cũng được hưởng lợi từ chính sách; đảm bảo được nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước (trừ thiên tai, bão lụt, dịch bệnh); chính quyền địa phương phát huy vai trò thông qua việc hướng dẫn, theo dõi, giám sát đồng vốn; người dân khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả thông qua cam kết hoàn vốn; hộ nghèo có ý thức về kế hoạch chi tiêu tiết kiệm để hoàn trả vốn.
Từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, thiết nghĩ, để công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả, ngoài sự hỗ trợ từ chương trình, dự án, chính sách thì hình thức hỗ trợ giảm nghèo hết sức quan trọng và việc “luân chuyển” vốn cho hộ nghèo với “cam kết” thoát nghèo như Dự án cũng cần nhân rộng.
Box: Theo Quyết định 831/QĐ-UBND ngày 23/10/2013 của UBND tỉnh,  nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người nghèo có nhu cầu đầu tư vào phát triển kinh tế theo hình thức cho vay không tính lãi trong vòng 3 năm và được trả dần hàng năm, dứt điểm trong 3 năm để luân chuyển cho hộ nghèo khác, đáp ứng yêu cầu nhiều hộ nghèo được hỗ trợ vốn không lãi, hạn chế tình trạng ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ liên tục nhưng không hiệu quả.

 

Bài: Tú Quyên

Số lượt xem:1792

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Chị Y Nhưp làm giàu (28-3-2014)
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


581501 Tổng số người truy cập: 1135 Số người online:
TNC Phát triển: