banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Hóc búa giải bài toán giảm nghèo
28-3-2014
Đơn cử như ở huyện Sa Thầy, năm 2012, có 964 hộ thoát nghèo nhưng lại có 403 hộ nghèo phát sinh và 67 hộ tái nghèo; năm 2013, địa phương có 661 hộ thoát nghèo nhưng lại có đến 654 hộ nghèo phát sinh. Tuy vẫn đạt mục tiêu kế hoạch giảm nghèo của huyện (2011-2015) đề ra mỗi năm giảm từ 4-5% tỷ lệ hộ nghèo nhưng điều này cho thấy công tác giảm nghèo ở Sa Thầy chưa thực sự bền vững.
Việc giảm nghèo, phát sinh nghèo mới hoặc tái nghèo cho thấy khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo còn rất mong manh. Theo ông Nguyễn Trung Thuận – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, vấn đề này có nhiều nguyên do, trong đó, bấp bênh nhất là hiện nay số hộ thoát nghèo hàng năm có thu nhập bình quân đầu người/tháng còn thấp, chưa vượt qua mức chuẩn hộ cận nghèo nên khi gặp phải thiên tai, bão lũ, đau ốm, tách hộ… lại tái nghèo. Trong khi đó, theo quy định, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo (QĐ 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) được áp dụng cho cả giai đoạn nên chưa linh hoạt điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng khi có sự thay đổi nhằm đảm bảo các nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập và chăm sóc sức khỏe của người nghèo. Mặc khác, chuẩn hộ nghèo khi điều tra, rà soát (Thông tư 21/2012/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH) hướng dẫn thì chỉ tính trên thu nhập của hộ gia đình, chưa đề cập đến các yếu tố khác tác động đến người nghèo. Bên cạnh đó, thời gian qua, dân di cư và việc tách và thành lập thôn mới, xã mới nên số hộ nghèo phát sinh mới gia tăng. Hơn nữa, một bộ phận dân cư và người nghèo chưa nhận thức đầy đủ về công tác giảm nghèo, chưa xác định được trách nhiệm và vai trò của mình là trung tâm trong công tác giảm nghèo, chưa chủ động phát triển sản xuấtkinh doanh nhằm tăng thu nhập hộ gia đình để thoát nghèo bền vững. Cũng có một bộ phận người nghèo còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc không muốn thoát nghèo vì cho rằng một khi thoát nghèo rồi sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hiện, người nghèo trên địa bàn tỉnh được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước và nhờ vậy ngày càng có nhiều người nghèo vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiệu quả của từng chương trình, chính sách, dự án có mang lại hiệu quả đối với công tác giảm nghèo hay không còn tùy thuộc rất lớn vào việc linh hoạt trong bố trí, lồng ghép sử dụng nguồn vốn của chính quyền các cấp và chính bản thân người nghèo.
Ông Nguyễn Trung Thuận cho rằng, hiện nay, các chính sách, nguồn lực hỗ trợ cho huyện nghèo, xã nghèo, người nghèo còn phân tán, chồng chéo, manh mún nên hiệu quả chưa cao. Ghi nhận từ thực tế cơ sở cho thấy, hiện nay, người nghèo khi được hỗ trợ từ các chương trình, dự án đa số chưa biết tự mình lồng ghép thành “gói” hỗ trợ giảm nghèo để vạch ra cho mình kế hoạch giảm nghèo mà hỗ trợ đến đâu người nghèo vận dụng nguồn hỗ trợ từ chính sách đó đến đó. Có một thực tế cũng cần phải lưu tâm nữa là hiện nay vì có quá nhiều chính sách, đa số chính sách cho không người nghèo là chủ yếu nên khiến một bộ phận người nghèo rơi vào tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
 Cũng theo ông Thuận, thách thức lớn nhất hiện nay đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là nhận thức của một số địa phương và người dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững chưa đầy đủ, xem đây là trách nhiệm của các cấp chính quyền, của hệ thống chính trị mà chưa xem đó là nhiệm vụ trung tâm của huyện nghèo, xã nghèo và người nghèo. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của Kon Tum hiện còn nhiều khó khăn, ngân sách chủ yếu dựa vào Trung ương hỗ trợ, các địa phương chưa huy động nguồn lực tại chỗ và trong nhân dân để triển khai công tác giảm nghèo. Tính bình quân trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo chưa được khắc phục triệt để, chưa hỗ trợ giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm. Đây cũng là lý do khiến hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 29/51 xã ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8-10% (còn 22 xã ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10%).
Kon Tum hiện còn 21.848 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,20% so với tổng số hộ toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo DTTS còn 20.216 hộ. Một khi xác định rõ nguyên nhân nghèo thì mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp; thế nhưng, nhìn nhận một cách tổng quan, vấn đề đặt ra đối với công tác giảm nghèo hiện nay là làm sao để người nghèo hiểu được chính sách giảm nghèo của Nhà nước chỉ mang tính chất hỗ trợ để giúp người nghèo có điều kiện chủ động vươn lên thoát nghèo, chứ không phải để ỷ lại, không tự vươn lên tăng gia sản xuất, thoát nghèo. Trong đó, việc xác định cách thức, phương pháp truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người nghèo đóng vai trò hết sức quan trọng và quyết định sự thành công của công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó cũng cần rà soát những chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tránh tình trạng người nghèo lợi dụng chính sách của Nhà nước để hưởng lợi.
 
 
Ông Nguyễn Trung Thuận – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:
 

Cần phải lấy người nghèo làm trung tâm từ bước rà soát, truyền thông, tổ chức triển khai chính sách đến việc kiểm tra đánh giá công tác giảm nghèo hàng năm. Ở bước rà soát hộ nghèo, nếu lấy người nghèo làm trung tâm sẽ công khai, minh bạch, dân chủ, tránh tình trạng nể nang trong bình xét hộ nghèo. Ở bước truyền thông nếu lấy người nghèo làm trung tâm sẽ có những cách truyền thông trực tiếp, hiệu quả để người nghèo hiểu chính sách và như thế sẽ tránh được tình trạng truyền thông qua loa, đại khái dẫn đến tình trạng người dân không hiểu nhiều về các chính sách mà mình được hưởng. Trong thực hiện chính sách cho người nghèo, nếu lấy người nghèo làm trung tâm sẽ đúng nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo, tránh được trường hợp áp đặt các chính sách từ trên xuống, các chính sách sẽ hạn chế được việc thất thoát, hư hỏng; đồng thời tránh được tình trạng các cấp chính quyền địa phương không quan tâm, không đi sâu, đi sát người nghèo, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cán bộ công chức từ cấp xã trở lên đối với nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao là quan tâm, chăm lo cho người nghèo.

 

 

Bài: Tú Quyên

Số lượt xem:1837

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
lens Chị Y Nhưp làm giàu (28-3-2014)
Trang thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Quản lý và nhập tin: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tầng 5, Tòa nhà A, Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862524; Fax: 0260.3862524; Email: sld@kontum.gov.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


494452 Tổng số người truy cập: 3682 Số người online:
TNC Phát triển: